Đào tạo nghề nông nghiệp: “Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng triển khai các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp, xem đây là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Ngoài 1.000 cây cà phê, gia đình chị Yô (làng O Yố, xã Ia Băng) còn trồng khoảng 2 sào rau màu để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do canh tác theo kiểu truyền thống, chưa biết cách áp dụng kỹ thuật nên năng suất vườn rau không cao. Có nhiều vụ, rau màu bị héo úa, thối rễ hoặc nấm lá, gia đình chị Yô phải cắt bỏ.

Nhận thấy bản thân mình thiếu kinh nghiệm, năm 2022, chị Yô đăng ký tham gia lớp học nghề trồng rau an toàn do xã tổ chức.

dd-sau-khi-tham-gia-lop-trong-rau-an-toan-chi-yo-lang-o-yo-xa-ia-bang-da-ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-gop-phan-tang-nang-suat-rau-mau-anh-mk.jpgSau khi tham gia lớp trồng rau an toàn, chị Yô (làng O Yố, xã Ia Băng) đã áp dụng khoa học, kỹ thuật góp phần tăng năng suất rau màu. Ảnh: M.K

“Sau khi tham gia lớp học nghề, tôi đã nắm được kỹ thuật, biết cách cải tạo đất, hạn chế phân bón hóa học, tăng cường phân tự ủ hoai từ lá cây và phân bò để chăm sóc cây trồng. Tôi cũng biết cách điều tiết lượng nước đưa vào ruộng rau, xử lý các loại sâu bệnh…

Nhờ đó, vườn rau của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ổn định hơn. Thông qua lớp học, tôi cũng đã học hỏi được nhiều phương pháp sản xuất hữu ích để áp dụng vào vườn cà phê và chăn nuôi heo, gà. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu được hơn 100 triệu đồng”-chị Yô phấn khởi chia sẻ.

Bà Kim-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng O Yố-cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, Chi hội đã vận động hội viên phụ nữ trong làng tham gia 5 lớp đào tạo nghề chăn nuôi heo, trồng rau an toàn.

Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, chị em đã nắm được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, chị em trong làng có việc làm ổn định, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo”.

dd-chi-ykam-lang-dak-mong-xa-dak-krong-phan-khoi-khi-lua-dat-nang-suat-cao-hon-sau-khi-ap-dung-quy-trinh-cham-soc-duoc-tiep-thu-tu-lop-hoc-nghe-trong-lua-anh-mk.jpg
Chị YKam (làng Đăk Mong, xã Đak Krong) phấn khởi khi lúa đạt năng suất cao hơn sau khi áp dụng quy trình chăm sóc tiếp thu được từ lớp học nghề trồng lúa. Ảnh: M.K

Ở làng Đăk Mong (xã Đak Krong), người dân rất vui mừng vì đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nước 2 vụ. Thay vì canh tác theo lối cũ, bà con đưa các quy trình sản xuất được học từ lớp dạy nghề trồng lúa vào áp dụng trên 36 ha.

Chị YKam hào hứng cho hay: “Trước đây, tôi canh tác 3 sào lúa nhưng không đủ ăn. Sau khi được tham gia lớp học nghề trồng lúa, tôi đã biết rõ quy trình trồng, chăm sóc lúa theo phương pháp hữu cơ để đảm bảo sản xuất lúa an toàn, năng suất ổn định và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, năng suất đạt trên 6 tạ/sào. Từ đó, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước được cải thiện”.

Theo ông Hà Văn Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong: Trước đây, địa phương vẫn còn nhiều lao động là người DTTS chưa có kinh nghiệm sản xuất, chủ yếu áp dụng phương thức sản xuất cũ nên năng suất không cao. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Vì vậy, xã đã tích cực tuyên truyền để người lao động tham gia học nghề, nâng cao kỹ năng và cập nhật thêm kiến thức mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2023, xã đã phối hợp mở lớp đào tạo nghề trồng lúa cho người dân. Sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức và phát triển sản xuất lúa 2 vụ theo hướng bền vững.

“Hiện có khoảng 75-80% lao động học nghề trên địa bàn xã đã áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong khẳng định.

Thay đổi tư duy cho người lao động

Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động của huyện Đak Đoa, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng DTTS không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ mà còn giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng bền vững.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhã-Chủ tịch UBND xã Ia Băng-thông tin: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt được kết quả tích cực. Sau khi tham gia các lớp dạy nghề nông nghiệp, hầu hết lao động đã tự áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Từ năm 2020 đến nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện và Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức được 20 lớp đào tạo nghề cho 562 lao động nông thôn. Qua đó, nâng số lượng lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề lên 5.180 người (đạt 70,77%); giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho 810 lao động.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, tạo điều kiện để người dân, nhất là đoàn viên, thanh niên người DTTS tham gia các lớp đào tạo nghề về xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đào tạo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dạy nghề nông nghiệp nhằm giúp người dân cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững”-Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho hay.

sau-cac-khoa-hoc-nguoi-lao-dong-dak-doa-nam-bat-duoc-nhung-kien-thuc-ky-thuat-moi-ap-dung-vao-san-xuat-ca-phe-ho-tieuanh-mk.jpg
Sau các khóa học nghề, người lao động huyện Đak Đoa nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất cà phê, hồ tiêu. Ảnh: M.K

Những năm qua, xã Đak Krong sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, xã tập trung ưu tiên nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ.

“Ủy ban nhân dân xã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, khảo sát nhu cầu học nghề của đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo để mở lớp đào tạo nghề như: trồng cà phê; trồng và chăm sóc cây mắc ca… Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, người lao động là đồng bào DTTS về đào tạo nghề nông nghiệp để người dân đăng ký tham gia”-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Krong chia sẻ.

Thông qua các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, huyện Đak Đoa đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS cải thiện cuộc sống. Hàng năm, dựa trên kết quả rà soát nhu cầu học nghề của người lao động, huyện xây dựng, bổ sung nội dung chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn lao động sản xuất ở địa phương.

Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho hay: “Năm 2024, Trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nhóm nghề như: sửa chữa máy cày công suất nhỏ, hàn, nề; kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho heo, trâu, bò; trồng rau an toàn…

Qua các lớp đào tạo nghề, 474 lao động nông thôn đã nắm vững các kiến thức cơ bản. Nhiều học viên sau khi học nghề đã áp dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Còn bà Lê Thị Hương-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện thì thông tin: Chương trình dạy nghề nông nghiệp được xem là “chìa khóa” giảm nghèo bền vững; giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho xã hội.

Các lớp học nghề còn giúp địa phương có hướng hỗ trợ sinh kế phù hợp cho người nghèo, đồng bào DTTS và giúp người dân phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế. Năm 2024, huyện đã tổ chức nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức 25 cuộc nói chuyện chuyên đề tại các thôn, làng thu hút 2.048 lượt người lao động tham gia. Hiện nay, huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức đào tạo nghề cho 443 lao động nông thôn.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo rà soát thống kê, lập danh sách người trong độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề và tổ chức các hình thức dạy nghề cho người lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện”-bà Hương thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.