Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Định hướng nghề nghiệp cho người nghèo

Chư Pưh là huyện thuần nông, người dân chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp. Một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dựa vào kinh nghiệm, ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi dẫn đến hiệu quả thấp và thường xuyên xuất hiện dịch bệnh.

Để giúp người dân từng bước thoát nghèo, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chính quyền huyện Chư Pưh đã triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua các lớp đào tạo nghề nông thôn, các hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi.

Những năm qua, gia đình chị Siu H’Teo (làng Phung, xã Ia Phang) gặp nhiều khó khăn khi 4 người con đều đang tuổi ăn học. Gia đình không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi 5 con bò.

Cùng với hỗ trợ cho gia đình 1 con bò sinh sản, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện để chị H’Teo tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò.

039623edc90f73512a1e.jpg
Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

“Trước kia, tôi không biết chăm sóc đúng cách nên bò hay bị bệnh và chết. Khi tham gia khóa đào tạo, tôi đã học được rất nhiều kiến thức, kỹ thuật mới như cho bò ăn đúng thức ăn, bổ sung khoáng chất, tiêm phòng định kỳ và cách phát hiện bệnh sớm. Sau khi áp dụng các kiến thức này, đàn bò của gia đình khỏe mạnh hơn và sinh sản tốt.

Qua 1 năm, đàn bò không còn gầy ốm và mắc bệnh nhiều như trước mà đã phát triển lên 8 con. Tôi dự kiến sẽ vay thêm vốn ưu đãi để mở rộng chuồng trại, trồng thêm cỏ để phát triển đàn bò, giúp gia đình có thu nhập ổn định”-chị H’Teo tâm sự.

Gia đình chị Ksor H’Kuam (làng Tong Yong, xã Ia Hrú) cũng thuộc diện khó khăn. Đất sản xuất ít, thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào chăn nuôi heo và 2 sào cà phê. Tuy nhiên, do không nắm được kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh nên đàn heo thường xuyên bị dịch bệnh chết.

Đầu năm 2024, vợ chồng chị được chính quyền xã tạo điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi heo và lớp nghề trồng cà phê. Kết thúc khóa học, chị tiếp tục được hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua vay vốn ưu đãi 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển chăn nuôi heo và đầu tư cho vườn cà phê.

“Nhờ những kiến thức đã học, tôi biết cách làm chuồng trại, thường xuyên vệ sinh, khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng như trị bệnh nên đàn heo phát triển khỏe mạnh.

Sau gần 4 tháng chăm sóc, gia đình đã bán lứa heo đầu tiên được gần 10 triệu đồng. Cùng với số tiền tích góp, tôi đã sửa lại ngôi nhà cho khang trang hơn. Lứa heo thứ 2 dự kiến sẽ xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nếu giá tốt, gia đình sẽ có tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng. Cùng với đó, giá cà phê năm nay tăng cao, gia đình có thêm khoản thu nhập để chi tiêu trong dịp cuối năm”-chị H’Kuam phấn khởi nói.

Theo chị Trần Thị Hồng Nhung-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Hrú: Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, nhận thức của người dân có sự thay đổi nhất định. Nhiều hộ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và đem lại kết quả bước đầu. Trong đó, nhiều gia đình đã áp dụng các kỹ thuật mới, cải thiện chất lượng đàn vật nuôi, nâng cao thu nhập.

Đòn bẩy vững chắc

Ông Rơ Ô Beo-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrú-cho biết: “Mặc dù địa phương có tiềm năng lớn về đất đai và thức ăn chăn nuôi, nhưng do thiếu kiến thức về chăm sóc, phòng trị bệnh cho gia súc, nhiều hộ gặp khó khăn trong việc duy trì đàn vật nuôi. Không ít gia đình đã phải bỏ nghề chăn nuôi do thua lỗ.

Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tham gia các lớp đào tạo nghề chăn nuôi, qua đó góp phần thay đổi tư duy, giúp người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn.

Đặc biệt, chính quyền xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế”.

chi-ksor-hkuam-phan-khoi-khi-gia-ca-phe-dang-tang-cao.jpg
Chị Ksor H’Kuam (làng Tong Yong, xã Ia Hrú) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Q.T

Còn ông Huỳnh Ngọc Nhi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phang thì thông tin: “Để giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, chúng tôi tiếp tục phối hợp làm tốt công tác đào tạo nghề, nhất là cho thanh niên nhằm giúp nâng cao tay nghề, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời, tiếp tục liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp thông tin về cơ hội học nghề, tuyển dụng lao động và các chính sách hỗ trợ qua các buổi họp thôn, mạng xã hội, cũng như bảng tin cộng đồng; khuyến khích thanh niên chủ động tham gia các hội chợ việc làm và ngày hội tư vấn nghề nghiệp”.

Ông Nguyễn Khắc Lê-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh: Doanh số cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay là 20,773 tỷ đồng cho 522 lao động; tổng dư nợ của chương trình là 63,998 tỷ đồng với 1.639 lao động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn để trình cấp trên phân bổ nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm kịp thời. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức để sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cao, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước và tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: “Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo nghề cho hàng trăm lao động nông thôn.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2024, huyện đã phối hợp mở 22 lớp đào tạo nghề cho 538 học viên với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, phối hợp tổ chức các hội chợ giới thiệu việc làm, ngày hội tư vấn nghề nghiệp; giới thiệu, hỗ trợ xuất khẩu lao động…

Nhờ đó, số lao động được giải quyết việc làm luôn đạt và vượt kế hoạch hàng năm. Năm 2021, số lao động được giải quyết việc làm là 1.137 người, đạt 108,29% kế hoạch; năm 2022 là 1.189 lao động, đạt 108,09% kế hoạch; năm 2023 là 1.587 lao động, đạt 138% kế hoạch; năm 2024 là 2.108 lao động, đạt 172,79% kế hoạch. Nhờ đó, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.263 hộ, chiếm 6,8%”.

Cũng theo ông Trường, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4,76% vào cuối năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phòng tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo rà soát, lập danh sách người dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề và tổ chức các hình thức dạy nghề cho người lao động phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đồng thời, hướng dẫn triển khai có hiệu quả, đúng quy định các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho lao động tham gia học nghề, vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động…

Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.