Những bước đi đầu tiên
Với diện tích hơn 21.500 km² và dân số gần 3,6 triệu người, tỉnh Gia Lai (mới) có diện tích lớn thứ hai cả nước. Trọng trách đặt ra cho chính quyền mới là làm sao để bộ máy vận hành hiệu quả, liên tục, đặc biệt trong giải quyết các thủ tục hành chính, tránh gây xáo trộn cho người dân và doanh nghiệp.

Trước khi hợp nhất, UBND 2 tỉnh cùng VNPT Bình Định-Gia Lai khẩn trương bắt tay xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho bộ máy hành chính 2 cấp. Trục công nghệ chính là VNPT iGate, nền tảng giải quyết thủ tục hành chính điện tử đã được chuẩn bị, nâng cấp, tích hợp dữ liệu từ cả 2 tỉnh.
Ông Lưu Phạm Tuyên-Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (VNPT Bình Định) cho hay: Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, hàng trăm cán bộ kỹ thuật của VNPT Bình Định-Gia Lai đã làm việc liên tục ngày đêm để bảo đảm tiến độ. Hạ tầng kỹ thuật được mở rộng khẩn trương, hệ thống được cấu hình lại để phù hợp với quy mô mới, dữ liệu hành chính từ 2 tỉnh được chuẩn hóa và tích hợp. Từ ngày 20-6, VNPT iGate bắt đầu chạy thử tại 58 xã, phường của tỉnh Bình Định. Năm ngày sau, toàn bộ 135 xã, phường của tỉnh Gia Lai (mới) đồng loạt vận hành thử nghiệm. Hệ thống đã vận hành ổn định, xử lý tốt các nhóm thủ tục, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai vốn có khối lượng lớn và tính chất phức tạp cao.
Anh Đỗ Cao Thoàn-Cán bộ kỹ thuật của VNPT Bình Định, người trực tiếp tham gia hỗ trợ tại xã đảo Nhơn Châu-chia sẻ: “Chúng tôi có chưa đến 20 ngày để chuẩn bị hạ tầng công nghệ cho cả hệ thống hành chính mới. Không có phép thử nào. Mọi thao tác, mọi cấu hình đều phải chính xác, bởi chỉ cần trục trặc một khâu nhỏ có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân trong ngày đầu triển khai. Cảm giác áp lực là có, nhưng tự hào thì nhiều hơn”.
Cùng thời gian đó, VNPT Bình Định-Gia Lai bố trí 270 kỹ thuật viên túc trực tại 135 xã, phường, đảm bảo mỗi địa phương đều có 2 người hỗ trợ trực tiếp. Đây là lực lượng “hậu trường” bảo đảm từng thao tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thanh toán, trả kết quả đều không gián đoạn.
Ổn định và hiệu quả
Ngày 1-7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Đồng thời, hệ thống VNPT iGate bước vào vận hành thực tế. Trong 3 ngày đầu, hệ thống tiếp nhận hơn 4.250 hồ sơ, trong đó có hơn 2.500 hồ sơ trực tuyến, 650 giao dịch thanh toán trực tuyến và 1.640 hồ sơ đã được xử lý, trả kết quả trong vòng 72 giờ.
Ông Nguyễn Minh Thảo-Phó Giám đốc Sở KH-CN-đánh giá: “Nếu để xảy ra gián đoạn dịch vụ công trong thời điểm chuyển giao, niềm tin của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền cùng VNPT Bình Định-Gia Lai, hệ thống đã vận hành ổn định ngay từ đầu”.
Thời gian tới, VNPT Bình Định-Gia Lai tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Tập đoàn VNPT hỗ trợ UBND tỉnh Gia Lai nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống, điển hình như: rà soát, chuẩn hóa dữ liệu; tối ưu tính năng phần mềm; mở rộng kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu; triển khai công nghệ mới như trợ lý ảo AI, phân tích dữ liệu phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng như các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước.
Việc xây dựng thành công hệ thống VNPT iGate cho chính quyền 2 cấp không dừng ở câu chuyện công nghệ. Đó là kết quả của sự phối hợp bài bản, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chuyển đổi số thực chất. Điều này cũng khẳng định khi chính quyền, doanh nghiệp công nghệ và người dân cùng đồng hành thì việc hình thành một chính quyền điện tử hiện đại là hoàn toàn khả thi.