Chủ động bắt tay vào công việc mới
Những ngày đầu tháng 7, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ia Grai luôn tấp nập người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Đây là bộ máy hành chính mới, được hợp nhất từ bộ phận một cửa của 3 xã, thị trấn cũ gồm: xã Ia Bă, xã Ia Grăng và thị trấn Ia Kha. Không chỉ người dân trên địa bàn mà cả những trường hợp từ địa phương khác đến làm thủ tục hành chính cũng được tiếp nhận, xử lý hoặc chuyển về đúng nơi giải quyết qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính.

Ông Đỗ Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Ia Grai, cho biết: Tuy quy mô dân số lớn, diện tích rộng nhưng đội ngũ cán bộ cơ bản được đào tạo bài bản, tâm thế ổn định. Tất cả đều thể hiện tinh thần phấn khởi, chủ động bắt tay vào công việc mới với phương châm “nhanh-hiệu quả-phục vụ nhân dân”.
Không chỉ xã Ia Grai, nhiều xã mới sau sắp xếp hành chính ở Gia Lai cũng đang bước vào guồng quay mới. Xã Phú Túc được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 xã, thị trấn cũ gồm: Phú Cần, Chư Ngọc, Ia Mláh, Đất Bằng và thị trấn Phú Túc. Ngay từ đầu tháng 7, Đảng ủy và UBND xã đã tổ chức tập huấn quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Bà Quách Thị Mỹ Phượng, chuyên viên Đảng ủy xã Phú Túc, chia sẻ: “Trước thay đổi lớn, bản thân tôi phải chủ động học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Nếu mình không thay đổi kịp thì sẽ bị bỏ lại phía sau”.
Còn tại xã Gào, Trung tâm Phục vụ hành chính công được xác định là “xương sống” trong giải quyết công việc cho nhân dân. Ông Lê Quang Toản, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Chúng tôi tập trung nguồn nhân lực, bố trí lại cơ sở vật chất để vận hành hiệu quả ngay từ những ngày đầu thành lập Trung tâm. Mọi đầu mối thủ tục hành chính đều được xử lý tập trung, minh bạch, đúng quy định”.
Vì nhân dân phục vụ
Thực tế cho thấy, cái khó nhất trong giai đoạn đầu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã không nằm ở mô hình tổ chức hay quy định pháp lý mà chính là tâm lý cán bộ, công chức. Việc thay đổi cả địa bàn công tác, cơ cấu tổ chức, phương thức làm việc là điều không dễ tiếp nhận một sớm một chiều. Nhưng thay vì hoang mang, dao động, nhiều cán bộ, công chức chọn cách hành động: Bám cơ sở, lắng nghe dân, xử lý công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Không chỉ dừng lại ở giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn chủ động “đi cơ sở”, nhất là tại các vùng khó khăn. Họ tiếp cận hộ dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Với những địa bàn vùng sâu, nơi dân trí còn hạn chế, giao thông cách trở, cán bộ cấp xã không đơn thuần là người xử lý giấy tờ mà là “cầu nối” thông tin giữa chính quyền và người dân.
Bà Hoàng Thị Minh Bình, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết: “Những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ, công chức chúng tôi đều có sự chuẩn bị về tinh thần và kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi hướng dẫn người dân tiếp cận hồ sơ, làm quen với thủ tục, đặc biệt chú trọng yếu tố minh bạch, thuận tiện trong giải quyết các nhu cầu của nhân dân”.
Không khẩu hiệu, không phô trương, phong trào thi đua thích ứng với mô hình mới đang được cán bộ, công chức cấp xã thể hiện bằng thái độ cầu thị, sự tận tình, thân thiện để người dân tin tưởng và hài lòng. Mỗi cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh Gia Lai đang từng ngày nỗ lực không ngừng, đổi mới tư duy, hành động thiết thực, thích ứng linh hoạt với yêu cầu công việc trong giai đoạn mới.