Ia Pa: Người trồng mì hợp tác với ngân hàng và nhà máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc hợp tác đầu tư giữa ngân hàng, nhà máy và người trồng mì ở huyện Ia Pa được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả 3 bên. Trong đó, nông dân được cam kết bảo hiểm về giá mì và năng suất, nhà máy chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, còn ngân hàng đưa vốn đầu tư đúng định hướng sẽ góp phần giảm bớt tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn.

Ngân hàng đầu tư cho nông dân trồng mì

Mì là một trong những cây trồng chủ lực của người dân 4 xã phía Đông sông Ba của huyện Ia Pa, trong đó có xã Ia Tul-nơi điều kiện kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Là nhà đầu tư cho thị trường nông nghiệp-nông thôn, gắn bó mật thiết với nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa (Agribank Ia Pa) đã chủ động đề xuất, phối hợp với chính quyền xã Ia Tul thử nghiệm mô hình sản xuất mới bằng giống mì KM419 trong vụ sản xuất 2017 với diện tích 30 ha của 23 hộ tham gia, suất đầu tư bình quân 15 triệu đồng/ha. Khác với cách làm cũ, ở mô hình này, hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa, từ bước lên luống, trồng cắm, chăm sóc đến thu hoạch.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mô hình trồng mì do Agribank Ia Pa đầu tư đã mang lại thành công ngoài mong đợi cho bà con khi sản lượng mì năm nay tăng vượt trội. Nếu như trước đây, khi không áp dụng cơ giới hóa và sử dụng giống mì cũ thì năng suất bình quân chỉ đạt 17-18 tấn/ha. Tuy nhiên, với mô hình sản xuất cơ giới hóa và sử dụng giống mì KM419, năng suất đạt tới 28-30 tấn/ha. Cộng với giá mì tươi năm nay đạt 1.400 đồng/kg (cao hơn mức giá thu mua các năm trước 400-600 đồng/kg), hầu hết các hộ tham gia mô hình đầu tư mới đều thu được lợi nhuận khá cao. Đơn cử như hộ ông Siu Sứ canh tác 8 sào mì thu lợi nhuận hơn 9 triệu đồng; hộ ông Linh canh tác 1 ha mì thu lợi nhuận 22 triệu đồng.

Thêm nhà máy tham gia hợp tác

Mô hình hợp tác đầu tư 3 bên (ngân hàng-nông dân-nhà máy) là phương thức đầu tư khép kín, mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Vì vậy, mô hình này rất được chính quyền huyện Ia Pa quan tâm. Đầu tháng 12 vừa qua, UBND huyện Ia Pa đã tổ chức cuộc họp triển khai thực hiện phát triển cánh đồng lớn trên cây mì ở xã Ia Tul với sự tham gia của các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo xã Ia Tul, Agribank Ia Pa, Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam.

Sau khi nghe Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam và Agribank Ia Pa báo cáo kế hoạch, phương án liên kết triển khai trong năm 2018, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện, nêu quan điểm: Huyện ủng hộ việc liên kết phát triển cánh đồng mì lớn của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam và Agribank Ia Pa. Việc phát triển cánh đồng lớn phải theo tiêu chí quy định, diện tích tối thiểu mỗi thửa đất phải được 5 ha. Đồng thời, huyện khuyến khích Hợp tác xã Nông nghiệp Ia Tul đại diện cho các hộ dân để ký kết hợp đồng, còn nếu Hợp tác xã không tham gia thì phía Công ty, ngân hàng tổ chức thực hiện đầu tư trực tiếp cho các hộ, nhóm hộ tham gia thực hiện cánh đồng lớn.

Dưới góc độ nhà đầu tư vốn, ông Phạm Văn Nhận-Giám đốc Agribank Ia Pa, nhìn nhận: Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng ở Ia Tul rất phù hợp để phát triển cây mì giống KM419. Trước đây, đa phần bà con trồng manh mún, hiệu quả không cao. Do đó, việc Agribank tham gia dự án này nhằm mở ra hướng đầu tư mới, tạo điều kiện cho người dân phát triển cây mì với diện tích lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, cung cấp cho nhà máy của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam.

Với phương thức  đầu tư 3 bên, bà con nông dân mở tài khoản tại Agribank và mọi giao dịch từ vay vốn đầu tư, mua bán sản phẩm với nhà máy đều thông qua tài khoản. Phía Agribank sẽ trực tiếp rót vốn đầu tư cho nông dân thông qua tổ liên kết, định mức vay theo suất đầu tư, lãi suất thỏa thuận. Điều này sẽ góp phần giảm được tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn.

Một điểm đáng ghi nhận ở cách làm này là nông dân được Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam cam kết bảo hiểm giá với mức giá sàn thu mua dự kiến 1.300 đồng/kg mì tươi. Phía Công ty cung cấp giống mì chuẩn cho nông dân và cam kết bảo hiểm về năng suất, chất lượng, hỗ trợ vận chuyển và ưu tiên nhập hàng cho nông dân.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.