Ia Pa: Hết mình vì phụ nữ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Chư Mố (huyện Ia Pa, Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình gây quỹ để giúp hội viên nghèo có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Chi hội Phụ nữ buôn Ama Lim 1 (xã Chư Mố) hiện có 50 hội viên trong tổng số 87 hộ gia đình. Là buôn thuần nông, thu nhập của bà con chủ yếu từ lúa, mì, mía… nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Buôn hiện còn 13 hộ nghèo vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất. Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội LHPN xã Chư Mố đã kêu gọi chị em phụ nữ buôn Ama Lim 1 chung tay xây dựng quỹ giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

 

Tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo xã Chư Mố. Ảnh: H.L
Tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo xã Chư Mố. Ảnh: H.L

Chị Rơ Ô H’Djuôn-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Mố, chia sẻ: “So với các chị em khác, thu nhập gia đình tôi ổn định hơn do 2 vợ chồng đều là công chức. Ngoài ra, tôi còn canh tác thêm 1,7 ha mì, 7 sào lúa nước 2 vụ. Thực hiện việc tiết kiệm theo mô hình “Phụ nữ tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, mỗi tháng, tôi tự đề ra mức tiết kiệm là 5 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm năm ngoái, gia đình đầu tư vườn rẫy, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, còn lại cho các chị em khác vay không lấy lãi để đầu tư sản xuất”.

Không chỉ bản thân thực hiện tiết kiệm, chị H’Djuôn còn hướng dẫn nhiều chị em khác trong buôn làm theo, tùy vào điều kiện mỗi gia đình. Trước đây, khi có khoản thu từ việc bán mía, mì… chị em mua sắm dàn trải nên không tạo được nguồn vốn đủ lớn để đầu tư sản xuất. Hiện nay, chị em phụ nữ đã thay đổi suy nghĩ và biết cách tiết kiệm. Chị Rơ Ô H’Nhong là phụ nữ đơn thân thuộc diện hộ nghèo ở buôn Ama Lim 1. Sau 5 năm thực hiện tiết kiệm, đến nay, chị đã xây được cho mình một ngôi nhà nhỏ. Chị H’Nhong tâm sự: “Nhà mình không có bàn tay đàn ông nên làm việc gì cũng khó, bao năm không thoát khỏi diện hộ nghèo. Chị H’Djuôn thương mình nên cho mượn một con bò cái về nuôi. Khi bò đẻ con, cứ năm này mình giữ lại nuôi thì con bê năm sau sẽ là phần của chị H’Djuôn. Mình nuôi 5 năm được chia lãi 3 con bò và số ấy còn đẻ thêm cho mình 2 con bê nữa. Năm ngoái, mình mới bán bớt bò, mỗi người hỗ trợ góp thêm một chút, mình đủ tiền xây một căn nhà nhỏ làm nơi che mưa che nắng. Mình mang ơn chị H’Djuôn nhiều lắm”. Tương tự, chị Rơ Ô H’Piên là hộ nghèo cùng buôn cũng được chị H’Djuôn tạo điều kiện mua bò về nuôi. Hiện tại, chị H’Piên cũng chuẩn bị cất nhà. Không chỉ cho nuôi bò rẽ, chị H’Djuôn còn cho chị em hội viên vay không lấy lãi số tiền hơn 30 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

“Nhiều chị em không thể vươn lên thoát nghèo do thiếu vốn. Một người đôi, ba trăm ngàn đồng có thể chưa đủ lớn nhưng 10 người, 20 người góp lại thì sẽ làm được nhiều việc. Số tiền ấy có thể giúp chị em hội viên nghèo mua được con bê, con heo hay mua cây giống, phân bón… Khi đó, nguồn vốn sẽ phát huy tác dụng”-chị H’Djuôn chia sẻ quan điểm. Nhờ sự vận động của chị H’Djuôn, chị em hội viên buôn Ama Lim 1 đã thành lập tổ tiết kiệm với 10 thành viên, góp được số tiền 13 triệu đồng giúp 5 hội viên nghèo vay và có cơ hội thay đổi cuộc sống. Các chị còn lập được 3 tổ góp vốn xoay vòng với 40 chị em tham gia, mức đóng góp 50-200 ngàn đồng/người/tháng.

Từ thành công của chi hội Phụ nữ buôn Ama Lim 1, chi hội phụ nữ khác trên địa bàn xã Chư Mố cũng đang học tập thành lập các tổ nhóm tiết kiệm, góp vốn xoay vòng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Hội LHPN xã Chư Mố hiện có 932 hội viên, trong đó có 57 hội viên nòng cốt. Đến nay, Hội LHPN xã đã kêu gọi hội viên phụ nữ trên địa bàn tiết kiệm số tiền 40 triệu đồng. Từ chương trình mỗi hội viên tiết kiệm 5 ngàn đồng/tháng, Hội LHPN xã đã tạo được nguồn quỹ trị giá 20 triệu đồng, giải quyết cho 10 chị vay; thành lập 2 tổ tiết kiệm với 32 thành viên tham gia, bao gồm tổ tiết kiệm buôn Ama Lim 1 và tổ tiết kiệm thôn Kdranh với 20 thành viên (góp 22 triệu đồng). Số vốn trên dành cho chị em vay mua cây, con giống hay phân bón, mua bò cho hộ hội viên nghèo nuôi rẽ. “Từ mô hình của buôn Ama Lim 1, tôi tin rằng sẽ có nhiều chị em tin tưởng hợp tác thực hiện và sẽ giúp được nhiều chị em có vốn đầu tư phát triển sản xuất, hướng đến thoát nghèo”-chị H’Djuôn chia sẻ.

Bên cạnh huy động tiết kiệm và đóng góp tạo nguồn vốn, Hội LHPN xã Chư Mố còn tạo điều kiện để chị em hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay khác phát triển sản xuất thông qua kênh vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN xã đã tín chấp giúp 20 chị được vay 126 triệu đồng, nâng tổng dư nợ tại ngân hàng này lên 8,762 tỷ đồng với 344 hội viên vay vốn để có thêm nguồn lực sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

(GLO)- Chiều 11-12, nhóm cựu chiến binh đến từ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku và tổ dân phố 3 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Gào.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Nay H'Nỡi (thứ 7 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh). Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Phát huy truyền thống tương thân tương ái, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.