Ia Pa - Dấu ấn 22 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, cán bộ và đồng bào các dân tộc huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Phát triển toàn diện

Huyện Ia Pa được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Ayun Pa (cũ) theo Nghị định số 104/2002/NĐ-CP ngày 18-12-2002 của Chính phủ. Từ ngày đầu thành lập với điều kiện kinh tế-xã hội thiếu thốn, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, đến nay, kinh tế của huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng cao; công nghiệp và thương mại-dịch vụ ngày càng phát triển.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh.

1-vc2.jpg
Diện mạo huyện Ia Pa ngày càng khởi sắc. Ảnh: N.K

Kết quả nổi bật sau 22 năm hình thành và phát triển của huyện là tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân trên 11%/năm. Đến cuối năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt 7.626,98 tỷ đồng, gấp 8,9 lần so với năm 2003. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 21,4 tỷ đồng, gấp 22 lần so với năm 2003.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư, mở rộng và nâng cấp; các tuyến đường huyết mạch như tỉnh lộ 662, 662B, 668, đường 4 xã phía Đông được đầu tư mở rộng, nâng cấp. Dự án bờ kè sông Ba mang lại niềm vui lớn cho người dân vùng sạt lở. Khu trung tâm huyện từng bước được đầu tư, thu hút dân cư, từ không có hộ nào đến nay đã có khoảng 300 hộ xây dựng nhà ở ổn định.

Ông Trần Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện-cho biết: Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh việc tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện quan tâm đầu tư xây dựng các trạm bơm điện, thủy lợi nội đồng để nâng cao năng lực tưới.

Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ 10.995 ha (năm 2003) đến năm 2024 đạt 37.720 ha (gấp 3,4 lần), tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 71.149 tấn, gấp 2,7 lần so với năm 2003. Đã hình thành, phát triển cánh đồng một giống, chuyên canh các cây trồng như mía, thuốc lá, mì, lúa gắn với hoạt động sơ chế tại chỗ; thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều mô hình trình diễn đưa giống cây trồng mới, năng suất cao vào sản xuất như mô hình sản xuất giống mì mới kháng bệnh khảm lá vụ mùa năm 2023 tại xã Ia Tul và Chư Mố với 17 ha/11 hộ, năng suất đạt 20-25 tấn/ha; mô hình canh tác giống lúa TBR97, Đài Thơm 8 tại 2 xã Ia Mrơn và Chư Răng đạt chứng nhận VietGAP, quy mô 40 ha/20 hộ, năng suất đạt 8-8,5 tấn/ha; dự án hỗ trợ phát triển giống lúa mới, liên kết sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hướng tới xây dựng thương hiệu gạo huyện Ia Pa với quy mô 328 ha/902 hộ tại các xã: Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Răng và Pờ Tó.

2-vc1.jpg
Bí thư Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Minh Trưởng (thứ 2 từ phải sang) trao bảng tượng trưng hỗ trợ hộ nghèo xã Chư Răng xây dựng nhà ở. Ảnh: N.K

Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới gồm: Ia Mrơn, Ia Tul, Kim Tân. Hiện xã Chư Răng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Ông Nguyễn Hữu Thành-Chủ tịch UBND xã Chư Răng-cho hay: Để chương trình xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận trong triển khai các công trình, phần việc cụ thể.

Qua đó, người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn, tự nguyện xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. 100% tuyến đường trục liên xã, liên thôn, nội thôn đều được nhựa hóa, bê tông kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 11,19%; thu nhập bình quân đầu người 45,2 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Trường: Thành tựu đạt được trong 22 năm qua là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực rất lớn trong cả hệ thống chính trị; sự cần cù, sáng tạo của quân và dân các dân tộc trong toàn huyện; là thành quả tổng hợp từ công sức, tâm huyết, tấm lòng, tình cảm của các thế hệ cán bộ đảng viên, cha anh đi trước cùng với sự kế thừa sáng tạo, năng động của thế hệ hôm nay. Với những thành tích đạt được, năm 2018, huyện Ia Pa được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Ghi dấu ấn cùng cả nước

Năm 2025 là năm đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát triển khai trên khắp cả nước. Là huyện vùng khó với tỷ lệ hộ nghèo cao 11,16% nên Đảng bộ, chính quyền huyện xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Trên cơ sở rà soát, thống kê, huyện đã huy động nhiều nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 507 hộ.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trưởng-Trưởng ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Ia Pa-nhấn mạnh: Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến xã đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ được giao.

Quá trình triển khai đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục chuyển nhượng, cấp đổi quyền sử dụng đất, phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đúng kế hoạch đề ra.

3t-nho-dua-giong-moi-va-ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-nguoi-dan-ia-pa-co-nhung-vu-mua-boi-thu-anh-vu-chi.jpg
Nhờ đưa giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân Ia Pa có những vụ mùa bội thu. Ảnh: Vũ Chi

“Tính đến nay, toàn huyện đã khởi công xây dựng 279 căn nhà. Trong đó, hoàn thành và bàn giao 190 nhà (xây dựng 126 nhà, sửa chữa 64 nhà). Huyện đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30-6. Do đó, rất cần sự chung tay góp sức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo sớm có được ngôi nhà vững chắc để ổn định cuộc sống, sớm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu”-Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trưởng nhấn mạnh.

Là 1 trong 2 xã về đích đầu tiên chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện, Bí thư Đảng ủy xã Kim Tân Trần Thị Tuyết chia sẻ: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, đến ngày 21-3, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 25/25 căn nhà cho 10 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo, về đích sớm so với kế hoạch chung của huyện. Tổng kinh phí triển khai thực hiện là trên 1,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước 1,2 tỷ đồng, người dân đối ứng trên 500 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tổ chức lễ phát động ủng hộ chương trình được trên 23 triệu đồng.

Song song với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, Ia Pa đang gấp rút thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, tiến tới bỏ cấp huyện, sáp nhập xã. Theo định hướng, toàn huyện Ia Pa còn lại 3 xã. Trong đó, sáp nhập 3 xã Ia Trốk, Ia Mrơn, Kim Tân lấy tên là xã Ia Pa, đặt trụ sở tại UBND huyện; sáp nhập xã Pờ Tó và Chư Răng lấy tên là xã Pờ Tó, đặt trụ sở tại xã Pờ Tó; sáp nhập 3 xã Ia Broắi, Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm lấy tên xã Ia Tul, đặt trụ sở tại xã Ia Tul.

Vừa qua, huyện đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp, lấy tên các đơn vị sau sáp nhập. Hầu hết người dân đều đồng thuận với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và hy vọng đây sẽ là bước tạo đà vững chắc để các địa phương đẩy mạnh phát triển, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.

Gia Lai: Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025

Gia Lai: Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025

(GLO)- Ngày 25-4, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-Ttg ngày 25-3-2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025.

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lữ đoàn Pháo binh 368 hỗ trợ xã Nghĩa An 1.120 công lao động xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Nghĩa An (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp hỗ trợ địa phương thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5).