Gia Lai và Kon Tum:

Hợp sức giữ rừng giáp ranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thời gian qua, nhằm ngăn chặn, hạn chế nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng tại khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương, UBND tỉnh Gia Lai và UBND Kon Tum đã ký kết quy chế phối hợp trong việc chỉ đạo các sở, ngành địa phương triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.

Vẫn còn nhiều vụ vi phạm

Giữa 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai có ranh giới liền kề ở 9 huyện, thành phố với chiều dài 183,5 km gồm các huyện: Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Drai và TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum); Kbang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, từ tháng 5-2018 đến tháng 12-2023, UBND 2 tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng phối hợp trao đổi thông tin và triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh.

Lực lượng Kiểm lâm, Công an xã Đak Smar và đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trên lâm phần quản lý. Ảnh: Minh Phương

Lực lượng Kiểm lâm, Công an xã Đak Smar và đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trên lâm phần quản lý. Ảnh: Minh Phương

Đáng chú ý, trong giai đoạn này các ngành chức năng của 2 tỉnh đã phối hợp tổ chức 1.361 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; phát hiện, lập biên bản 275 vụ vi phạm, tịch thu trên 815 m3 gỗ các loại cùng nhiều phương tiện, công cụ khác. Lực lượng chức năng đã xử lý 269 vụ, gồm: xử lý hành chính 242 vụ, khởi tố hình sự 27 vụ, đang điều tra, xác minh thụ lý 6 vụ… Hiện tổng số tiền đã thu, nộp ngân sách được hơn 2,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Ni-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh cho biết: Huyện Chư Păh và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) có đường ranh giới chung dài hơn 24 km với 2 xã, thị trấn vùng giáp ranh gồm: xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) và xã Ia Kreng, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh). Khu vực giáp ranh có diện tích rừng rộng lớn, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đi lại khó khăn nên các đối tượng lâm tặc lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để lén lút thực hiện hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Mặt khác, khu vực rừng giáp ranh còn nhiều tài nguyên lâm sản có giá trị kinh tế cao nên tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chính vì vậy, từ năm 2018 đến nay, tại khu vực này, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xác lập hồ sơ xử lý 6 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, xử lý hành chính 4 vụ, hình sự 2 vụ, tịch thu tang vật hơn 41 m³ gỗ tròn, xẻ các loại. “Lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng còn mỏng trong khi vùng giáp ranh kéo dài, một số khu vực không có đường giao thông, địa hình dốc hiểm trở nên chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng trái pháp luật hay việc người dân phá rừng làm nương rẫy. Hơn nữa, khi cơ quan chức năng tổ chức tuần tra, phát hiện truy đuổi thì các đối tượng vi phạm di chuyển từ vùng rừng thuộc địa phận huyện này sang huyện kia và ngược lại giữa 2 tỉnh, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng chức năng 2 bên thì rất khó xử lý ”-ông Ni nêu một số hạn chế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) cho biết: Huyện có gần 95.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng trên 85.000 ha. Trong đó, xã Ia Tơi của huyện có hơn 41.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, giáp ranh với địa bàn xã Ia O, Ia Khai (huyện Ia Grai) và xã Ia Kreng (huyện Chư Păh). Do vậy, huyện thường xuyên chỉ đạo UBND xã, chủ rừng giáp ranh duy trì chốt kiểm soát liên ngành tại các khu vực trọng điểm vi phạm; phối hợp tuần tra, truy quét các đối tượng có hành vi xâm hại tài nguyên rừng ở các xã vùng giáp ranh giữa 3 huyện. Từ tháng 5-2018 đến tháng 12-2023, lực lượng kiểm lâm, công an, chủ rừng, UBND các xã đã tiến hành 152 lượt tuần tra, truy quét các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp khu vực rừng giáp ranh. Qua đó, phát hiện 47 vụ vi phạm tại các khu vực rừng giáp ranh với tổng khối lượng tang vật tịch thu hơn 168,5 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; xử lý vi phạm hành chính 46 vụ, xử lý hình sự 1 vụ.

Lực lượng chức năng của huyện Kbang tăng cường công tác tuần tra, truy quét và xử lý các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng. Ảnh: Minh Phương
Lực lượng chức năng của huyện Kbang tăng cường công tác tuần tra, truy quét và xử lý các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng. Ảnh: Minh Phương

Nêu một số tồn tại trong công tác phối hợp, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-khẳng định: Huyện Ia Grai cũng đã xây dựng quy chế, chỉ đạo các lực lượng biên phòng, công an, kiểm lâm, UBND các xã giáp ranh triển khai thực hiện tốt các nội dung đã ký kết. Tuy nhiên, khu vực giáp ranh có lòng hồ thủy điện Sê San 4, Sê San 3A có diện tích mặt nước lớn thuận lợi cho các đối tượng khai thác, vận chuyển bằng thuyền gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương. Ngoài ra, việc trao đổi thông tin vụ việc cũng như quá trình xử lý vi phạm giữa chính quyền các địa phương còn chậm, chưa chủ động trao đổi thông tin để có biện pháp phối hợp, tổ chức thực hiện.

Còn theo Nguyễn Văn Hải-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông (tỉnh Kon Tum): Lâm phần quản lý của Công ty trải rộng trên địa bàn 6 xã, 1 thị trấn của huyện Kon Plông, xen lẫn, tiếp giáp với đất canh tác nông nghiệp và khu dân cư trên địa bàn; giáp ranh với huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nên tiềm ẩn nguy cơ xảy các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đáng lo ngại hơn, người dân trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên vẫn còn duy trì tập quán phá rừng làm nương rẫy nên gây áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tăng cường thực hiện quy chế phối hợp

Bàn giải pháp thực hiện quy chế phối hợp, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang thông tin: Huyện Kbang có vùng giáp ranh dài hơn 67 km với huyện Kon Plông, Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum). Đặc biệt, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là 2 vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng với nhiều tài nguyên quý hiếm nên các đối tượng lâm tặc thường xuyên “nhòm ngó”. Tuy vậy, thời gian qua công tác phối hợp giữa các địa phương có vùng rừng giáp ranh này còn nhiều hạn chế, chỉ mới dừng ở mức trao đổi thông tin, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể việc phối hợp giữa lực lượng chức năng của huyện và xã vùng giáp ranh để tuần tra, truy quét, ngăn chặn xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh: “Thời gian tới, lực lượng chức năng giữa các huyện giáp ranh cần xây dựng kế hoạch truy quét để kịp thời xử lý dứt điểm các vụ vi phạm. Mặt khác, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh; hỗ trợ nhân lực, phương tiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp truy bắt, điều tra xử lý vi phạm, nhất là các khu vực trọng điểm”.

Nhóm hộ làng Tơ Vơn (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Minh Phương
Nhóm hộ làng Tơ Vơn (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Minh Phương

Minh chứng về một số giải pháp ngăn chặn giảm thiểu tình trạng phá rừng trái pháp luật làm nương rẫy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông Nguyễn Văn Hải-thông tin: Công ty đã rà soát xác định diện tích đất canh tác nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp trong hoặc tiếp giáp với lâm phần của Công ty, đồng thời thiết lập bản đồ các khu vực có nguy cơ phá rừng làm nương rẫy để tổ chức tuần tra, ngăn chặn.

Cùng với đó, tổ chức cho những hộ dân này ký cam kết không cơi nới, phá rừng trái pháp luật làm nương rẫy và xây dựng quy ước bảo vệ rừng đối với 35 cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng để triển khai thực hiện. Nhờ đó, lâm phần của Công ty từ một địa bàn được coi là điểm nóng về vi phạm Luật Lâm nghiệp đến nay đã được khống chế. Năm 2023, chỉ xảy ra 2 vụ, giảm 8 vụ so với năm 2023, khối lượng gỗ vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời kiện toàn lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để đảm bảo thực thi tốt nhiệm vụ được giao.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh. Ảnh: Minh Phương

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh. Ảnh: Minh Phương

Cùng với việc xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ rừng thì cần thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng và khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại khu vực giáp ranh nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập và thu hút người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng…

Cùng với đó, trên cơ sở quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng giáp ranh đã được UBND 2 tỉnh ký kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Kon Tum cùng quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng của tỉnh Gia Lai triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh.

Đặc biệt, cần chủ động trao đổi thông tin, tổ chức phối hợp tốt trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy-chữa cháy rừng không để xảy ra các điểm nóng phá rừng, cháy rừng; duy trì chế độ giao ban định kỳ để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

17 nạn nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế của tỉnh

17 nạn nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế của tỉnh

(GLO)- Sáng 30-4, ông Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai kích hoạt "báo động đỏ" để tổ chức cấp cứu cho các nạn nhân vụ hai xe khách va chạm vào rạng sáng nay tại đường tránh Chư Sê và quốc lộ 25.