Hoạt động vận tải Gia Lai hướng tới mục tiêu an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm phát động, phong trào thi đua “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và hàng ngàn tài xế tích cực tham gia, góp phần đưa hoạt động vận tải đi vào nền nếp.
Năm 2012, Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông và Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”. Thời điểm mới phát động, toàn tỉnh chỉ có 27 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách ký kết giao ước thực hiện phong trào. Nhưng sau 10 năm, toàn tỉnh đã có 414 đơn vị kinh doanh vận tải với 3.058 phương tiện (đạt tỷ lệ 100%) và hơn 3 ngàn tài xế tham gia phong trào ý nghĩa này.
Ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-thông tin: “Nhiều năm liền, Công ty đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vận tải an toàn”. Nhiều tài xế của đơn vị đạt danh hiệu “Lái xe an toàn”. Để đạt được kết quả này, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông theo dõi dữ liệu qua thiết bị giám sát hành trình, từ đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý tài xế, góp phần hạn chế tối đa những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra”.   
Để xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”, các đơn vị kinh doanh vận tải đã chú trọng tổ chức sát hạch nghiêm ngặt trước khi tuyển dụng tài xế. Cùng với đó, các doanh nghiệp quan tâm thực hiện chính sách bảo hiểm, ký hợp đồng lao động để tài xế yên tâm và nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh vận tải. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai-cho biết: Công tác tuyển dụng của đơn vị được tổ chức chặt chẽ từ khâu kiểm tra hồ sơ đến nghiệp vụ và kỹ năng lái xe. Trước khi nhận xe, tài xế đều được đơn vị đào tạo đầy đủ kỹ năng nghiệp vụ cơ bản theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ để giúp tài xế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Ngoài ra, đơn vị còn định kỳ tổ chức khen thưởng, biểu dương các gương tài xế đạt doanh thu cao, giữ gìn xe tốt, không vi phạm pháp luật và có những hành động đẹp trong quá trình phục vụ khách hàng.
Sở Giao thông-Vận tải tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”. Ảnh: Lê Anh
Sở Giao thông-Vận tải tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”. Ảnh: Lê Anh
Nhờ triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp. Đến nay, 100% doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải đều đã thành lập bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông theo quy định, có sổ sách theo dõi công tác an toàn giao thông, quản lý phương tiện, bảo đảm phương tiện trước khi đưa vào hoạt động đạt tiêu chuẩn về điều kiện an toàn. Các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đã chấp hành nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên phương tiện theo quy định. Đồng thời, bố trí người để trực tiếp quản lý, theo dõi, giám sát các hoạt động của tài xế trên đường, kịp thời nhắc nhở các hành vi vi phạm để làm cơ sở khen thưởng, kỷ luật. Cùng với đó, các doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe theo quy định, bảo đảm không có tài xế sử dụng ma túy và các chất kích thích tham gia điều khiển phương tiện.
Được tặng danh hiệu “Lái xe an toàn” giai đoạn 2019-2022, tài xế Từ Thanh Minh (Hợp tác xã Vận tải và dịch vụ Pleiku) chia sẻ: “Tôi có 22 năm lái xe khách đường dài tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh nên biết công việc rất nhiều áp lực. Để đảm bảo an toàn, ngoài việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ thì đòi hỏi người lái xe phải có kỹ năng điều khiển phương tiện thuần thục trong mọi điều kiện địa hình và thời tiết, tập trung cao độ trong khi làm việc. Ngoài ra, tài xế cũng cần có phẩm chất đạo đức tốt, đặc biệt là phải có tác phong, văn hóa ứng xử lịch sự, văn minh đối với mọi người xung quanh”.
Sau 10 năm phát động phong trào, toàn tỉnh có 80 lượt doanh nghiệp được công nhận danh hiệu “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và 345 lượt cá nhân được công nhận danh hiệu “Lái xe an toàn”. Để phong trào tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho rằng: Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào thi đua “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn”; kịp thời phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, mô hình mới; biểu dương, tôn vinh các tài xế tích cực tham gia phong trào để tạo sự lan tỏa. Đặc biệt, các đơn vị cần chú trọng xây dựng quy chế, nội quy tuyển dụng, khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với tài xế; thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình làm việc của tài xế trên đường, kiên quyết không sử dụng những tài xế không bảo đảm điều kiện, thiếu đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, không sử dụng các phương tiện không đủ điều kiện để khai thác.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.