Hoa Kỳ áp thuế đối ứng: AmCham Việt Nam và Hiệp hội chăn nuôi tiếp tục lên tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 AmCham Việt Nam đã có những đề xuất và kiến nghị nhằm hài hòa lợi ích cho cả hai bên sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp dụng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Việt Nam vào nước này.

Trước thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp dụng thuế nhập khẩu tối thiểu 10% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu và thuế đối ứng 46% với hàng hóa của Việt Nam, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam; trong đó có Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm hài hoà lợi ích cho cả hai bên.

Trong thông cáo báo chí phát hành ngày 8/4, AmCham Việt Nam cho biết hiệp hội là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam với hơn 550 doanh nghiệp và 2.500 thành viên cá nhân. Sứ mệnh lâu dài của AmCham Việt Nam là thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

hoa-kydd.jpg
Khu bến cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Ở vị thế đó, AmCham Việt Nam nhận định giảm thuế quan đối với hàng hóa Hoa Kỳ chỉ là một trong những yêu cầu của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) trong việc công bố chính sách thuế đối ứng mới đây. Một yêu cầu khác là giảm các rào cản thương mại phi thuế quan. USTR đã ban hành "Báo cáo ước tính thương mại quốc gia về rào cản thương mại nước ngoài" trong đó nêu nhận xét về tình hình của Việt Nam trong một số vấn đề liên quan đến thương mại. Tuy nhiên, báo cáo không bao gồm các yêu cầu về mục tiêu cụ thể.

AmCham kiến nghị Chính phủ Hoa Kỳ trình bày rõ ràng các "yêu cầu" đối với Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, AmCham tại Việt Nam kêu gọi các hội viên, đặc biệt là những công ty tham gia nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, có những đề xuất cụ thể hơn cho các bước tiếp theo nhằm tăng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

AmCham Việt Nam đánh giá cao những phản ứng nhanh chóng và hợp lý của Chính phủ Việt Nam trước mức thuế mới của Hoa Kỳ. "Chúng tôi rất vui khi biết về cuộc điện đàm trao đổi mang tính xây dựng giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump vào ngày 4/4 vừa qua. Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo và tính thực tế của Tổng Bí thư Tô Lâm khi giải quyết trực tiếp một trong những mối quan ngại đã nêu của Hoa Kỳ về thuế quan "không đối ứng" bằng cách đưa ra mức thuế đối ứng là 0%," thông cáo của AmCham tại Việt Nam nêu rõ.

AmCham Việt Nam cho rằng cuộc đối thoại giữa hai Chính phủ sẽ mang lại cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu của Hoa Kỳ, bao gồm cả những nhà xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhằm giúp họ tiếp cận thị trường tốt hơn và giảm thuế suất, đặc biệt là so với các đối tác khác đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ủng hộ đề xuất hoãn áp dụng thuế đối ứng để đàm phán của Chính phủ Việt Nam, AmCham Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ nên dành thời gian để thảo luận và cân nhắc các đề xuất có lợi cho mình. Hoa Kỳ muốn đưa ra thông điệp nhằm kêu gọi việc đàm phán một cách thiện chí từ các bên sẽ đem lại lợi ích thay vì trả đũa. Ngoài ra, không có lý do gì để gây ra thiệt hại nặng nề cho các bên từ cả hai quốc gia đã tham gia thương lượng hoặc đầu tư đáng kể vào việc lập kế hoạch cho các giao dịch sắp tới, trong khi hành động đó không thúc đẩy các mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn đã nêu của chính quyền Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp chăn nuôi được biết Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang triển khai chương trình GSM-102 là chương trình cung cấp bảo lãnh tín dụng để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Hoa Kỳ với lãi suất trả chậm chỉ 1%/năm. Về phía Việt Nam, có 6 ngân hàng được tham gia chương trình GSM102 nhưng lãi suất các ngân hàng này đưa ra chưa hợp lý, dẫn đến việc triển khai chưa được hiệu quả. Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, xem xét tạo điều kiện cho các ngân hàng bảo lãnh chương trình GSM-102 lãi suất từ 1-1,5% để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

"Qua tham khảo các ý kiến hội viên, chúng tôi nhận thấy Hoa Kỳ là nguồn cung cấp rất tốt các mặt hàng đầu vào cho nông nghiệp Việt Nam như: Đậu nành và khô đậu nành, ngô, DDGS (bã rượu khô) những mặt hàng trước giờ Việt Nam vẫn nhập khẩu với giá trị hàng tỉ USD để phục vụ cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn là nơi cung cấp con giống heo chất lượng cao. Tính bình quân một trại nuôi heo giống của Việt Nam, mỗi năm nhập khẩu 250 con giống heo cụ kỵ (GGP) trị giá khoảng 0,5 triệu USD.

Theo lịch trình, vào tháng 6/2025, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ cùng một số trang trại chăn nuôi sang Hoa Kỳ ký hợp đồng mua heo giống cụ kị từ công ty AGWorld và ký kết hợp tác liên doanh chăn nuôi với Công ty Waldo chuyên về giống chăn nuôi. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đang xúc tiến với Công ty International Nutrition của Hoa Kỳ (IN) nhập các sản phẩm nguyên liệu dinh dưỡng cho chăn nuôi nhằm cải thiện chất lượng thịt heo, bò và môi trường chăn nuôi," ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin thêm.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Nghị định 73/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP) sửa đổi mức thuế suất MFN với một số mặt hàng, có hiệu lực từ ngày 31/3 đã giảm thuế rất nhiều mặt hàng mà Hoa Kỳ có lợi thế; trong đó có ngô hạt và khô dầu đậu tương từ 1-2% xuống 0%.

Thuế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ giảm, nếu được kèm theo chính sách hỗ trợ theo chương trình GSM-102 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ. Điều này không chỉ góp phần cân bằng thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ mà còn giúp giảm chi phí cho ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp nâng chất lượng chăn nuôi và nâng khả năng cạnh tranh của ngành trong hội nhập.

Theo Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm