Hiệu quả từ chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, TP. Pleiku đã triển khai Dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê tại xã Gào, Trà Đa và Diên Phú. Dự án đã giúp người dân sản xuất ổn định và nâng cao thu nhập.
Dự án nhằm phát triển các mô hình trồng và chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thành phố đã đầu tư trên 22,5 tỷ đồng thực hiện dự án với Công ty TNHH một thành viên Hà Phát Gia Lai, Công ty TNHH Thương mại-xuất nhập khẩu Tín Đức, Công ty cổ phần Tín Thành Đạt, Công ty TNHH một thành viên Anh Thu trên tổng diện tích 362,8 ha với 256 hộ dân tham gia.
Theo ông Bùi Văn Phúc-Chủ tịch UBND xã Trà Đa: “Toàn xã có 272 ha cà phê, trong đó có 131 ha nằm trong dự án với 86 hộ tham gia. Tham gia dự án, người dân từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất tập thể, tập trung; đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm. Dự án bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong người dân”.
Ông Vũ Xuân Dương (thôn 4, xã Trà Đa) phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có trên 3 ha cà phê tham gia dự án. Ngoài được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn 4C, gia đình tôi còn được hỗ trợ phân bón và được bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi còn được chi trả giá cộng thưởng 100 đồng/kg và hỗ trợ vận chuyển”.
Ông Vũ Xuân Dương (thôn 4, xã Trà Đa) phấn khởi khi tham gia dự án. Ảnh: Trần Dung
Ông Vũ Xuân Dương (thôn 4, xã Trà Đa) phấn khởi khi tham gia dự án. Ảnh: Trần Dung
Tương tự, tại xã Gào, sau khi khảo sát, xã đã chọn 117 hộ tham gia dự án với diện tích trên 144 ha, trong đó ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. “Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Xã đã làm tốt vai trò cầu nối để người dân và doanh nghiệp tự nguyện ký kết, liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Qua đó, bước đầu hình thành chuỗi liên kết; từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản xuất theo hướng cung cấp sản phẩm cà phê an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Gào Trần Ngọc Thanh cho hay.  
Theo ông Phạm Văn Trình-Giám đốc Công ty cổ phần Tín Thành Đạt, mục tiêu của dự án là thiết lập các tổ, nhóm sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn TP. Pleiku. Công ty đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, cấp phát tài liệu kỹ thuật, theo dõi hoạt động sản xuất; đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chuỗi liên kết này sẽ được duy trì lâu dài, bền vững để đạt tới mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê cho nông dân. “Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua sản phẩm, giảm chi phí và tỷ lệ hao hụt trong quá trình chế biến, lợi nhuận đạt được nhiều hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân. Đối với nông dân, khi tham gia chuỗi liên kết sẽ trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp; đồng thời cũng nắm bắt được các tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp cần thu mua, từ đó điều chỉnh hành vi canh tác cho phù hợp”-ông Trình thông tin.
Người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật. Ảnh: Trần Dung
Người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật. Ảnh: Trần Dung
Đánh giá về hiệu quả từ dự án, ông Trần Tấn Quang-Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố-nhấn mạnh: Thông qua dự án giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập, ổn định đời sống và có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn. Ngoài được hưởng lợi trực tiếp như tập huấn khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, các hộ tham gia dự án còn thực hành trên đồng ruộng nên khả năng tiếp thu cao. Đây là yếu tố quyết định trong việc duy trì và nhân rộng kỹ thuật trong sản xuất sau này. Ngoài ra, những người dân trong vùng có điều kiện học tập, tiếp cận kỹ thuật canh tác mới và thay đổi tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình. “Dự án cũng đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua dự án đã thể hiện được sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; khẳng định được giá trị chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bền vững”-ông Quang khẳng định.
TRẦN DUNG
 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.