Hạnh phúc là sự cho đi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
15 năm qua, 108 trẻ em bất hạnh đã được ông Đinh Minh Nhật đón về nuôi nấng, có em đã tốt nghiệp đại học. Với ông, lẽ sống chỉ đơn giản vậy
Người đàn bà nằm co quắp giữa sàn nhà. Manh chiếu rách che không kín đôi chân khẳng khiu, nhem nhuốc, những vệt máu chưa khô. Cạnh đó một hài nhi rúm ró trong tấm vải rách, tiếng khóc thỉnh thoảng cất lên yếu ớt.
Lòng kiên nhẫn củng cố từng ngày
Hai ngày trôi qua, chẳng biết phép lạ nào giúp cháu bé vẫn sống. Nhưng dường như chẳng ai quan tâm điều đó. Đằng nào thì nó vẫn phải theo mẹ về với làng ma. Việc trước mắt bây giờ là lo đập bò, đập heo để làm lễ cúng.
Bởi thế, khi nghe có người đàn ông là người Kinh muốn xin đứa bé về nuôi, ông trưởng họ phải nhướng tai hai ba lần để nghe cho rõ. Thủng chuyện, ông lững thững bước lại gần người đàn ông kia, rồi cất tiếng khàn khàn: "Người Jrai ta, mẹ chết thì phải cho con đi theo để nó có cái bú. Giờ đem cho mày, mẹ nó ở làng ma không thấy con kêu Yang phạt chết cả họ này thì sao? Bụng mày tốt nhưng không làm trái lệ ông bà chúng ta được. Về đi!".

Ông Đinh Minh Nhật và cháu bé nhỏ nhất hiện ông đang nuôi dưỡng
Ông Đinh Minh Nhật và cháu bé nhỏ nhất hiện ông đang nuôi dưỡng
Cho đến bây giờ, người đàn ông ấy - ông Đinh Minh Nhật (ngụ thôn 1, xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) - vẫn nhớ như in cái đoạn đau lòng ấy. Cũng không hiểu vì sao lúc ấy ông vẫn kìm nén được để đấu lý với ông trưởng họ, để rốt cuộc ông mang được đứa bé đi. Rời khỏi chỗ đó một quãng thật xa, ông vẫn chưa tin mình vừa giành giật được một sự sống khỏi tay thần chết.
Chỉ đến khi ra đến giữa cánh đồng ào ạt gió, ông mới bừng tỉnh. Chính lúc này, tiếng khóc đứt quãng của đứa bé kéo ông về thực tại: Giờ phải làm sao đây? Hơn 40 tuổi nhưng ông vẫn chưa một lần bế đứa trẻ sơ sinh nào trên tay, nói gì đến việc nuôi nấng, chăm sóc; lại thêm nhà cửa không có, nguồn sống phải phụ thuộc gia đình.
"Thôi thì hẵng cứu lấy mạng sống của bé đã. Có thể sau này ai xin thì cho". Tự nhủ vậy và mượn gia đình được ít tiền, ông nhắm miếng đất bỏ hoang, hỏi mua. Kiếm mấy cây gỗ về, che lên vài tấm tôn. Vậy là ông có nhà.
Nhưng từ đấy, ông mới biết nuôi dưỡng một đứa bé vất vả thế nào. Con bé yếu sức, đau ốm quặt quẹo, suốt đêm quấy khóc khiến không lúc nào được chợp mắt. Nhiều lúc buồn ngủ quá, ông lăn đùng ra trong lúc vẫn ôm nó trên tay. Mang đi cho, chẳng ai nhận. Mệt mỏi và hoang mang. Ý nghĩ tàn nhẫn đôi khi trỗi lên. Biết thế, hãy cứ để cho nó đi theo mẹ. Một người chịu khổ để kéo dài thêm sự khổ của một kiếp khác làm gì.
Nhưng rồi sau mỗi lần như thế, ông lại ân hận tự trách. Chính mình đã tìm đến để giành giật sự sống cho bé rồi giờ lại toan thoái thác. Thế chẳng phải là hèn nhát hay sao? Tự đấu tranh, lòng kiên nhẫn của ông cứ thế từng ngày được củng cố. Con bé cũng dần dần có da, có thịt. Ông cho bé mang họ mình và đặt tên là Hồng Phúc - cái tên đúng như số phận kỳ diệu của bé bây giờ.
Như có bàn tay vô hình
Năm 2008, bé Hồng Phúc được 3 tuổi. Một lần, đi đám ma ở xã Ia Kor gần Ia H’Lốp, tình cờ ông nghe người ta kháo nhau về một hoàn cảnh đau lòng: Ông Hồ Vĩnh bị tai nạn giao thông chết, giờ đến vợ bị bệnh cũng ra đi, bỏ lại 5 đứa con bơ vơ. Như có bàn tay vô hình đưa đẩy, ông tìm đến.
Trong căn nhà dột nát, trước mắt ông là 4 đứa trẻ với vẻ mặt thất thần, đang xúm vào cố dỗ một đứa chừng 7 tháng tuổi khóc ngặt nghẽo. Mấy người hàng xóm bối rối nói với ông không biết lấy tiền đâu để mua hòm làm đám ma cho mẹ chúng.

Ông Đinh Minh Nhật và những đứa trẻ được ông nuôi dưỡng từ bé
Ông Đinh Minh Nhật và những đứa trẻ được ông nuôi dưỡng từ bé
Vậy là ông đứng ra vận động mọi người góp tiền, giúp tổ chức đưa ma. Mồ yên mả đẹp cho người xấu số rồi, ông an ủi đám trẻ để ra về. Chợt cháu bé lớn nhất níu tay ông, nước mắt lưng tròng, kể hôm nay chị em chúng chỉ còn bữa gạo cuối cùng. Tim ông thắt lại khi nhìn khuôn mặt như dại đi vì lo của cháu.
Mới 13 tuổi, cháu làm sao đương nổi gánh nặng này? Những cặp mắt non dại của đám trẻ cũng hướng cả vào ông. Chúng không thốt nên lời nhưng ông đọc được trong ánh mắt chúng thông điệp "đừng bỏ chúng con tội nghiệp". Quệt vội giọt nước mắt, ông bế xốc bé út lên rồi lui cui dắt cả đám trẻ về nhà. Chúng lầm lũi đi theo ông như theo cha.
Đủ mọi cảnh đời
Nắng vo tròn dần bóng cây si trước ngõ. Giờ này cái xóm nhỏ đầu thôn 1 dường như chỉ còn mỗi âm thanh của đám trẻ này. Đứa chơi trò rượt đuổi cười nắc nẻ, đứa trêu ghẹo nhau khóc ré lên khiến ông Nhật chốc chốc lại phải dừng nói chuyện với tôi để hòa giải, phân xử.
Nhìn ông, tôi thầm nghĩ chỉ quản lý đám trẻ này cũng đã ê mình. Vậy mà ông còn phải chăm bẵm, lo ăn mặc, học hành cho ngần ấy đứa trẻ. Mà đâu phải bé nào cũng lành lặn, bình thường.
Ông Nhật kể: Sau lúc mang 5 cháu ở Ia Kor về nuôi, tiếng đồn ngày càng xa. Vậy là có người báo tin, có người đích thân mang đến cho ông những đứa trẻ, đủ mọi cảnh đời. Hiểu rằng bây giờ chẳng còn đường lùi, ông cứ sẵn lòng đón nhận tất cả.
Nhìn ông Đinh Minh Nhật bế đứa con nuôi nhỏ nhất trại lên âu yếm, tôi bỗng thấy mắt mình cay cay. Tôi như thấy trước mắt là một người cha mới bước ra tươi ròng từ cổ tích.
Bây giờ thì ông đang nuôi đến 108 cháu, trong đó có 5 cháu bị thần kinh bẩm sinh, 1 cháu khuyết tật. Mặc những điều xì xào, dị nghị của người đời, ông chỉ nghĩ một lẽ giản dị: Cũng như những đứa trẻ mình đã mang về nuôi nấng, nếu từ chối thì chúng sẽ đi về đâu?
Quả thật, như thằng cu tên Thúi chẳng biết sẽ ra sao nếu không được ông đưa bàn tay cứu vớt. Nó là con của một người mẹ Jrai, mới lọt lòng đã bị đem bỏ trong rừng cao su. Trước khi báo tin cho ông, người ta đã đem cho khắp các làng nhưng không ai nhận. Lý do là cháu không có hậu môn, đối với đồng bào Jrai thì đó là do Yang phạt.
Mang cu Thúi về, ông phải đưa ngay vào bệnh viện để bác sĩ mổ làm hậu môn tạm. Suốt 3 năm trời, ông chịu đựng hôi thối để nuôi nấng, chăm sóc. Cũng vì thế mà bọn trẻ ở đây đặt cho nó cái tên cu Thúi. Vậy mà đã xong đâu, cu Thúi còn mắc thêm bệnh đao. Giờ đã 9 tuổi, đi vệ sinh són ra quần vẫn không hay.
Lại còn 2 cháu trai, 3 cháu gái khác cũng bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, mắc bệnh thần kinh bẩm sinh. Suốt ngày chúng la hét, quậy phá rồi làm những việc vô thức, phải có một khu để nuôi riêng và chế độ chăm sóc "đặc biệt". Thế nhưng, dù khó khăn đến mấy, chỉ trừ một trường hợp duy nhất là em Kpah Hùng bị ung thư đại tràng, còn lại thì ông đều nuôi nấng thành công.
Mừng hơn nữa là đã có những số phận được ông "chở đò cập bến". Như cháu Rơ Lan H’Oanh mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông đón về lúc 12 tuổi, giờ đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế; 4 cháu tiếp theo đang học đại học năm thứ 2 và 4 cháu năm nhất, 16 cháu đang học nghề…
Nhiều đêm không ngủ
Trở lại điều mà tôi vẫn băn khoăn là chưa nói đến việc chữa bệnh, học hành, tạo dựng chốn ở, chỉ riêng cái ăn thôi thì ông lấy đâu ra để nuôi ngần ấy đứa trẻ?
"Đó là cả một nỗi đoạn trường" - ông Nhật cười rồi chậm rãi kể từ lúc mang 5 đứa trẻ mồ côi ở Ia Kor về nuôi, ông đã phải tính chuyện tự lập. Tự lập ở hoàn cảnh ông thì chỉ có nước đi làm thuê. Vậy là mùa nào việc nấy. Thu hái hồ tiêu, cà phê, bón phân, làm cỏ… ai thuê là ông làm.
Ông phải dè sẻn từng miếng ăn, không dám mua quần áo mới. Lắm khi nhếch nhác quá, đến nỗi chị ruột phải chép miệng "đúng là sướng không muốn, lại tự tròng cái khổ vào thân". Mãi đến năm 2009, ông mới nhận được sự giúp đỡ đầu tiên của một người ở Gia Lai. Cũng từ đó trở đi, trại trẻ mồ côi của ông được nhiều người biết và giúp đỡ. Rồi chị ông cũng nghĩ lại mà giúp cho mấy trăm triệu đồng để xây nhà ở cho các cháu.
Hồi các cháu chưa đông, dư được chút vốn, ông cũng mua được 1 ha cà phê, giờ mỗi năm cũng thu được gần 200 triệu đồng. Ông lại còn mua bò cho các cháu lớn chăn, cũng mới bán đi gần đây để lấy tiền mổ tim cho cháu Đinh Thiên Đức. Dù vậy thì cái ăn, cái mặc của bọn trẻ phần lớn vẫn dựa vào sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái.
Tôi hỏi mãi, ông mới nói rõ hiện mỗi tháng cần 6 tạ gạo, tiền điện 5 triệu đồng, thức ăn và chi phí khác khoảng 20 triệu đồng. Sự giúp đỡ thì không phải lúc nào cũng đến kịp nên ông kể nhiều đêm không ngủ được vì lo ngày mai các cháu chưa biết ăn gì.
Ông Nhật cũng phấn khởi kể, ông Nguyễn Văn Đương, Chủ tịch UBND xã Ia H’Lốp, ngoài việc vận động mọi người giúp đỡ thì dịp Tết vẫn đến lì xì bọn trẻ, an ủi, động viên. Cử chỉ ấy khiến ông ấm lòng. 
Bài và ảnh: Ngọc Tấn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.