(GLO)- Gần một tuần nay, hàng trăm xe mía từ các huyện Kbang, Kông Chro và Đak Pơ ồ ạt, đổ về đậu đỗ nối dọc các tuyến đường đi vào Nhà máy Đường An Khê chờ tiêu thụ, gây ra ùn ứ, ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự trên địa bàn thị xã.
Một khu vườn của nhà dân (tại tổ 2, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) hàng chục xe mía đậu chen chúc. Ảnh: Ngọc Minh |
Theo kế hoạch, từ ngày 25-12-2017 Nhà máy Đường An Khê chính thức bước vào niên vụ ép mía 2017-2018. Giá thu mua được Nhà máy đưa ra là 780.000 đồng/tấn mía cây mua tại ruộng, đạt hàm lượng 10 chữ đường, Nhà máy cũng thông báo bảng giá cước hỗ trợ vận chuyển mía cho nông dân mức hỗ trợ từ 85 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng tùy theo cự ly. Niên vụ ép mía năm nay, so với niên vụ ép mía 2016-2017 chậm gần một tháng, được biết hiện tại Nhà máy Đường An Khê chưa vận hành hết công suất (18.000 tấn mía/ngày đêm). Người dân trồng mía khu vực phía Đông tỉnh sợ Nhà máy không thu mua, hơn nữa sợ mía cháy và muốn bán được mía có tiền tái đầu tư, chi phí vào dịp Tết nên mới ồ ạt chặt tự phát không theo kế hoạch. Cả trăm ngàn tấn mía đổ về một lúc gây áp lực cho Nhà máy và chính quyền địa phương.
Ông Trần Quang Thành (tổ 2, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) cho hay: “Lượng mía đang tập trung ở đây phần lớn là mía của các huyện Đak Pơ, Kbang và Kông Chro. Nhà tôi có trên 3ha mía nhưng chưa chín và xung quanh chưa thấy ai chặt”.
Theo quan sát của phóng viên, các tuyến đường Lê Lợi, Lê Thị Hồng Gấm (phường An Bình), đường hẻm (tổ 2 phường Ngô Mây), xung quanh khu vực Sư đoàn Bộ binh 2, bãi xe của Nhà máy Đường An Khê và rải rác các tuyến đường nội thị hiện có trên 600 xe mía. Xe được các tài xế đỗ dọc hai bên đường lấn chiềm lòng đường gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Khoảng cách giữ các xe mía chỉ từ 1-1,5 mét rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ. Phần lớn các xe chất đầy mía vượt quá khổ so với quy định.
Cách Nhà máy Đường An Khê khoảng hơn 1 km đã có hàng trăm chủ đại lý thu mua mía và tài xế đợi chờ lấy phiếu. Một chủ đại lý thu mua mía ở huyện Đak Pơ cho biết: “Niên vụ mía 2017-2018 tôi đầu tư 150 ha mía cho người dân và bản thân gia đình trồng trên 20 ha. Thời điểm này năm ngoái đã tiêu thụ được 2.000 tấn mía, nhưng năm nay mới nhập cho nhà máy 750 tấn mía. Nếu để mía đến tháng 5, 6 khi đó mưa giông, công chặt, vận chuyển tăng lên, lợi nhuận không còn bao nhiêu. Vì thế, tôi thuê nhân công tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi về chặt đẩy nhanh tiến độ. Tôi đã đứng đây 5 ngày rồi mà chưa có phiếu”.
Hàng trăm chủ đại lý thu mua mía, tài xế trực chờ lấy phiếu. Ảnh: Ngọc Minh |
Để chấn chỉnh tình trạng chở quá khổ quá tải, Đội Cảnh sát Giao thông (Công an thị xã An Khê) phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông-219 (Phòng Cảnh sát Giao thông-Công an tỉnh), đảm bảo an toàn giao thông, điều phối các xe chở mía không đậu đứng các tuyến đường dẫn vào Nhà máy, đồng thời, đặt trạm cân ngay trên đường vào Nhà máy, buộc hạ tải với các xe quá tải mới cho thông qua. Trong ngày 11-1, theo thống kê đã có trên 70 xe chở mía buộc phải hạ tải, mới được tiếp tục đi vào Nhà máy tiêu thụ.
Trước những tình hình trên, Thường trực Thị ủy đã có buổi làm việc với Đảng ủy Công an thị xã An Khê, đại diện các cơ quan, phòng ban chuyên môn, Bí thư, Chủ tịch các xã phường trên địa bàn và đại diện Nhà máy Đường An Khê về một số vấn đề liên quan đến tình hình an ninh nông thôn, an ninh xã hội trên địa bàn thị xã trong thời gian qua. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê đề nghị: UBND thị xã An Khê tăng cường, nắm bắt tình hình, tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân thu mua mía, đảm bảo công tác môi trường, an ninh nông thôn, phối hợp với Đội Phòng cháy chữa cháy (PCCC)-Công an tỉnh, trong công tác PCCC trên địa bàn; Đội cảnh sát giao thông (Công An thị xã) hướng dẫn, phân luồng để người dân không đậu đỗ xe mía tập trung tại các tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm, Lê Lợi, xung quanh Sư đoàn Bộ binh 2 và đưa ra các phương án chấn chỉnh tình trạng xe chở quá khổ, quá tải; phường An Bình, Ngô Mây đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Nhà máy Đường An Khê tích cực tuyên truyền thông báo tới người dân các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê an tâm giữ mía, không để một số đối tượng xấu, xúi giục đốn mía ồ ạt gây mất an ninh trật tự vùng nguyên liệu và áp lực cho nhà máy. Đồng thời, các phòng ban chức năng, UBND các xã vùng mía phối hợp cùng nhà máy tuyên truyền, kiểm tra, theo dõi, giám sát chi phí thu hoạch mía, cước vận chuyển phù hợp theo từng cự ly và trọng tải xe. “Nhà máy cam kết mua hết mía cho người dân. Từ tối ngày 11-1 Nhà máy vận hành 2 máy đạt hết công suất, lượng mía hiện tại đang ùn ứ sẽ giảm. Công khai việc cấp phiếu, đo trữ đường, trừ tạp chất. Người dân nên thực hiện thu hoạch đúng kế hoạch của Nhà máy đã được niêm yết công khai tại các trạm thu mua mía và đã gửi về chính quyền địa phương vùng mía”-ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết.
Ngọc Minh