Hàng loạt vướng mắc trong 12 dự án thua lỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nhà máy đạm Ninh Bình đang tranh chấp hợp đồng với tổng thầu EPC phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử. Ảnh: Vinachem
Sau gần ba năm triển khai xử lý, đã có những dự án kinh doanh có lãi nhưng cũng có dự án tiếp tục thua lỗ, ngừng sản xuất.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến nay 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương đang trong giai đoạn xử lý các vướng mắc. Đáng chú ý, đến tháng 9/2019 đã có hai nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lãi sau thuế đạt 7,3 tỉ đồng và Nhà máy thép Việt-Trung lãi sau thuế đạt 270,7 tỉ đồng. Riêng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ.
Tuy nhiên, ủy ban này cũng cho hay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đã được tập trung giải quyết nhưng chưa có kết quả.
Bế tắc đàm phán hợp đồng tổng thầu - EPC
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện có bảy dự án, doanh nghiệp phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình). Đến nay, vướng mắc này vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra. Một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử (gồm đạm Ninh Bình, Hà Bắc, DAP Lào Cai).
Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai Nhà máy gang thép Thái Nguyên, hiện nay Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) nhận thấy không thể đàm phán giải quyết được vướng mắc hợp đồng EPC với nhà thầu MCC Trung Quốc để tiếp tục triển khai dự án. Các dự án khác như nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Phú Thọ vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp do chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối.
Bên cạnh giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC, các dự án này đang gặp khó về vấn đề tài chính. Theo đó, với quan điểm của Chính phủ là bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp, cổ đông phía nhà nước còn lúng túng trong việc quyết định chủ trương góp thêm vốn cho các dự án. Một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ cho sản xuất, dẫn đến thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Loay hoay thoái vốn
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết ngoại trừ số ít dự án đang có lãi, các dự án, doanh nghiệp còn lại đều thua lỗ hoặc dừng hoạt động nên không nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, các dự án, doanh nghiệp còn tranh chấp hợp đồng EPC nên chưa quyết toán được toàn bộ dự án, chưa có cơ sở để xác định giá trị dự án, doanh nghiệp thoái vốn.
Chẳng hạn như Nhà máy bột giấy Phương Nam đã có phương án thoái vốn nhưng triển khai bán đấu giá không thành công do chưa có nhà đầu tư quan tâm; việc kiểm toán, thẩm định giá để tiến hành bán đấu giá lần thứ hai triển khai chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức bán đấu giá.
Mặt khác, một số dự án nhiên liệu sinh học ở Quảng Ngãi, Bình Phước, Phú Thọ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn tiếp tục gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra và nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất nên càng sản xuất càng thua lỗ.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo quản lý dự án chia sẻ do các dự án này có vốn góp của đối tác bên ngoài nhà nước chiếm đa số nên việc quyết định các vấn đề quan trọng của dự án phụ thuộc vào họ. Đơn cử, Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã hoàn thành phân xưởng xử lý nước thải nhưng để chạy thử, nghiệm thu phân xưởng xử lý nước thải, làm cơ sở cho việc nghiệm thu, quyết toán hoàn thành dự án thì cần có kinh phí. Trong khi đó cổ đông nhà nước - Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) không sử dụng được vốn của mình để hỗ trợ chạy thử vì e ngại vi phạm nguyên tắc “Nhà nước không bỏ thêm tiền vào dự án”.
Tương tự, tại Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, do thị trường diễn biến bất lợi và việc thoái vốn của PVOil khó khăn nên PVOil đã đề xuất ngừng triển khai phương án thoái vốn, tự nguyện bàn giao tài sản cho ngân hàng tài trợ vốn xử lý theo quy định của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.
Đàm phán hợp đồng tổng thầu EPC hết năm nay
Chia sẻ tại cuộc họp về các dự án này mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh các tập đoàn, tổng công ty cần tập trung rà soát, cập nhật, đánh giá kỹ lại các vấn đề cụ thể còn đang vướng mắc, tranh chấp ở các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án. Cùng đó là xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể công việc cần thực hiện để xử lý các vấn đề nêu trên; thuê đơn vị tư vấn luật và tham vấn Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để sớm xử lý dứt điểm.

“Các doanh nghiệp ưu tiên hòa giải, đàm phán hợp đồng EPC, trường hợp hết năm 2019 vẫn không tiến triển cần xem xét các điều khoản hợp đồng để xem xét khả năng đưa ra bên thứ ba (trọng tài hoặc tòa án) để phân xử” - Phó Thủ tướng chỉ đạo. 

Tài chính (Theo Trà Phương/plo.vn)

Có thể bạn quan tâm