Hà Nội và HAGL cùng mời Tấn Trường, Anh Đức đã sắp giải nghệ vì mục tiêu ngắn hạn, dù đi ngược chiến lược dài hạn 2 CLB đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam luôn kiên địch vạch ra.
|
Minh Vương "bít cửa" ra sân với sự xuất hiện của Anh Đức? Ảnh: MINH TRẦN |
CLB Hà Nội được gì khi ký hợp đồng với Tấn Trường? Đó là kinh nghiệm, bề dày thi đấu và sự ổn định trẻ không theo được. Tấn Trường là thương vụ “hời” cho Hà Nội, ít nhất đến thời điểm này nhờ không mất thời gian thích nghi.
Thậm chí, khi đội bóng thủ đô mất 3/4 trụ cột phòng ngự, HLV Chu Đình nghiêm còn để Tấn Trường bắt chính để chỉ huy hàng thủ. Thủ môn kỳ cựu đã giữ sạch lưới giúp Hà Nội thắng CLB cũ Becamex Bình Dương, trước khi chơi ổn định để cùng Hà Nội thủ hòa Viettel 1-1.
Niềm tin ông Nghiêm dành cho Tấn Trường còn hơn thủ môn số 1 Văn Công. Đó là cái mạnh của một cầu thủ dày dạn. Anh ta không mất thời gian để chứng tỏ, thích nghi và có thể sử dụng được ngay.
|
Bầu Đức nhiều năm liền không mua sao nội để chừa suất hàng công cho cầu thủ trẻ Ảnh: MINH TRẦN |
Tuy nhiên, Hà Nội xưng hùng xưng bá ở V-League với 10 chức vô địch trong 5 năm qua không phải bằng cách "ăn xổi" như thế. Dưới thời công thần số 1 HLV Phan Thanh Hùng, Hà Nội kiên trì “xây nền đắp móng” suốt giai đoạn đầu trước khi hái quả vào năm 2010 với danh hiệu vô địch đầu tiên.
9 năm sau, Hà Nội hoàn tất cú đúp vô địch danh hiệu quốc nội nhờ lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, Văn Kiên, Hùng Dũng… dày công chăm sóc, đào tạo trong hơn nửa thập kỉ.
Hà Nội vượt xa nhiều đội V-League ở tầm nhìn, với lộ trình rõ ràng, rành mạch, thay vì làm bóng đá kiểu “mì ăn liền”. Vậy nhưng họ vẫn phải mời thủ môn Tấn Trường để vá víu hàng thủ.
Tương tự, HAGL mang về tiền đạo kỳ cựu Anh Đức với hy vọng gia tăng kinh nghiệm và làm mới hàng công. Nếu Anh Đức tỏa sáng ngay lập tức như Tấn Trường, có lẽ cũng ít người bất ngờ.
|
Bất ngờ Bầu Đức mua Anh Đức tưởng đã giải nghệ sau nửa mùa ngồi không Ảnh: MINH TRẦN |
Cái bất ngờ chỉ nằm ở chỗ những người luôn ưu tiên số 1 cầu thủ trẻ như bầu Đức, bầu Hiển lại mạnh tay đầu tư vào những thương vụ với các cầu thủ “quá đát”, đã nghỉ bóng đá một thời gian.
Riêng với HAGL, thương vụ với Anh Đức là sự chấm dứt cho 5 năm liên tiếp họ ưu tiên trao cơ hội cho tiền đạo trẻ và những ngoại binh.
Từ mùa 2015, HAGL đặt niềm tin vào những Công Phượng, Văn Toàn cho hàng công trẻ trung, đẹp mắt và giàu tốc độ. Mùa 2016, bầu Đức không thuê tiền đạo ngoại, nhường suất cứng cho Văn Toàn, Minh Vương thể hiện khi Công Phượng xuất ngoại.
Dù vậy, sự trồi sụt gần nửa thập kỉ khiến các ông bầu phải thay đổi, bất chấp việc nương nhờ cựu binh chưa chắc đã tốt cho đại cục.
|
Trước đó, bầu Hiển bất ngờ tậu Tấn Trường 34 tuổi cũng ở không một thời gian Ảnh: ĐỘC LẬP |
Thương vụ chiêu mộ Anh Đức của HAGL còn nói lên một vấn đề: thế hệ kế cận của đội bóng phố Núi không đủ tốt. U.21 HAGL 1 vừa lọt vào chung kết giải U.19 quốc gia Báo Thanh Niên, nhưng chưa giới thiệu được gương mặt tấn công nổi trội nào.
Trên đội 1 HAGL, Bảo Toàn còn quá non nớt. U.22 Việt Nam vô địch SEA Games 30 mà không có chân sút nào của HAGL góp mặt trên hàng công, khác với 2 kỳ SEA Games trước Công Phượng, Văn Toàn là chủ lực.
Hàng công HAGL đang khủng hoảng khi chân sút tốt nhất là Văn Toàn cũng mới có 2 bàn, Minh Vương là con số không. Không thể kiên nhẫn hơn với “của nhà trồng được”, bầu Đức phải tìm đến Anh Đức luống tuổi, không còn thích hợp với lối đá giàu tốc độ.
Hà Nội cũng nhiều nỗi lo sau lứa Quang Hải, Văn Hậu. U.19 Hà Nội không vượt qua vòng loại U.19 quốc gia, trong khi lứa U.21 vô địch 2 năm liên tiếp được chuyển giao cho Phú Thọ. Việc “chuyển khẩu” hai đội trẻ cho Hà Tĩnh và Phú Thọ khiến đội 1 thiếu hụt tài năng.
|
HAGL và Hà Nội săn hàng "hết đát" để tranh danh hiệu, ông Park hẳn sẽ không vui. Ảnh: MINH TÚ |
Thủ môn Sỹ Huy đáng lẽ được đôn lên thay đàn anh Minh Long (nghỉ dưỡng thương sau phẫu thuật), nhưng anh phải trở về phục vụ Phú Thọ nên bầu Hiển phải mời Tấn Trường về.
Những bản hợp đồng với cầu thủ lớn tuổi không xấu. Kinh nghiệm của các ngôi sao “lão tướng” sẽ giúp HLV có thêm lựa chọn chiến thuật.
Dẫu vậy, việc các cầu thủ trẻ ít được thi đấu cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở chính trình độ cầu thủ, mà còn là áp lực thành tích khiến ngay cả những đội bóng chuộng trẻ như Hà Nội, HAGL phải viện cớ “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhiều chuyên gia bóng đá lo lắng sau lứa Công Phượng, Quang Hải là khoảng trống mênh mông ở đội tuyển. Việc hai trung tâm đào tạo trẻ tiếng tăm nhất đất nước cùng dùng những cầu thủ từng giải nghệ như Tấn Trường hay Anh Đức cho tham vọng đua vô địch chắc chắn là tín hiệu không vui.
Theo Nam Nhi (Thanh Niên)