Gỡ “nút thắt” cho nhân viên y tế trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa y tế học đường sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung là hợp lý, bởi nhân viên y tế học đường sẽ được nhìn nhận đúng với vai trò của mình.

Ngày 30-12-2022, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tại phụ lục V của thông tư này quy định, y tế học đường thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.

Đến ngày 30-10-2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Theo đó, các vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Đội ngũ nhân viên y tế trường học ở Gia Lai rất phấn khởi khi y tế học đường được điều chỉnh từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung. Ảnh: M.T

Đội ngũ nhân viên y tế trường học ở Gia Lai rất phấn khởi khi y tế học đường được điều chỉnh từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung. Ảnh: M.T

Tuy nhiên, sau khi ban hành các thông tư này, Bộ GD-ĐT tiếp nhận nhiều ý kiến của các địa phương cũng như của đội ngũ nhân viên y tế trường học. Ghi nhận tâm tư và nhằm bảo đảm quyền lợi, sự ổn định của đội ngũ nhân viên y tế học đường, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Theo Bộ GD-ĐT, nhiệm vụ y tế trường học rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế học đường còn phải đảm nhận các công tác liên quan khác như: thu và lập hồ sơ bảo hiểm y tế học sinh; phòng-chống dịch bệnh, bệnh học đường, xâm hại tình dục trẻ em, tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, bạo lực học đường, HIV/AIDS; chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho học sinh…

Ngày 23-12-2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 7583/BNV-TCBC hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng đề án và phê duyệt vị trí việc làm. Đáng chú ý, đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc điều chỉnh vị trí việc làm y tế học đường đã được chấp thuận.

Tại công văn này, Bộ Nội vụ đề nghị, trước mắt, các địa phương hướng dẫn cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định vị trí việc làm y tế học đường thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung như hiện nay; tức là sẽ được xếp chung với các vị trí như: thư viện, kế toán, văn thư… và được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2022/TT-BNV, Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT cho phù hợp.

Đón nhận thông tin trên, đội ngũ nhân viên y tế học đường rất phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh-nhân viên y tế Trường THPT Pleiku-chia sẻ: “11 năm gắn bó với nghề, tôi thấy khá hụt hẫng, hoang mang khi Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ban hành có xếp nhân viên y tế trường học vào nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Chúng tôi có cảm giác nghề mà mình có bằng cấp, bao năm cống hiến cho ngành nhưng không được ghi nhận.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, biết tin đã có văn bản của Bộ Nội vụ chấp thuận giữ vị trí việc làm của nhân viên y tế trường học như hiện tại, tôi rất vui mừng. Bao nhiêu tâm tư, nỗi niềm băn khoăn bấy lâu đã phần nào được giải tỏa”.

Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Thanh-nhân viên y tế Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kông Chro-trải lòng: “Công tác trong môi trường giáo dục chuyên biệt, học sinh ăn, ở, học tập và sinh hoạt tại trường nên nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên y tế ở các cơ sở giáo dục nội trú có phần nặng nề hơn.

Tôi gần như phải trực thường xuyên, bất kể thời gian để kịp thời xử lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Vậy nên, việc đưa y tế học đường sang danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng”.

“Việc Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT đưa y tế học đường sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung là hợp lý, bởi nhân viên y tế học đường sẽ được nhìn nhận đúng với vai trò của mình. Từ đó, chúng tôi có thêm động lực gắn bó với nghề. Tôi mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ nhân viên trường học nói chung, nhân viên y tế học đường nói riêng”-chị Thanh nêu nguyện vọng.

Được biết, ngoài đề xuất điều chỉnh vị trí y tế học đường sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT còn có công văn gửi Bộ Nội vụ liên quan đến chế độ chính sách cho nhân viên trường học.

Cụ thể, nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% và nếu được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. Đây là việc làm kịp thời, thiết thực, góp phần giải quyết phần nào trăn trở của nhân viên trường học.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.