Giáo viên 'nháo nhào' đăng ký dạy thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôm nay (14/2), Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Trước giờ “G”, do chưa thể đăng ký kinh doanh cũng như chưa tìm được trung tâm “bảo trợ”, nhiều giáo viên đã tạm ngưng dạy hoặc dạy online để tìm cách thích ứng.

Tạm dừng dạy thêm vì không tìm được nơi đứng “chân”

Cô Nhung, giáo viên Toán lớp 9 một trường THCS tại TP. Thủ Đức (TPHCM) cho hay, những ngày qua cô và các giáo viên trong trường chạy đôn, chạy đáo để tìm cách thực hiện đúng Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm nhưng vẫn chưa được. Theo cô Nhung khi đăng ký với trung tâm dạy thêm thì trung tâm quá tải, tự mình mở lớp lại không được nên tạm thời ngưng dạy thêm.

Nhiều giáo viên đang loay hoay tìm cách dạy thêm theo Thông tư 29
Nhiều giáo viên đang loay hoay tìm cách dạy thêm theo Thông tư 29

Là giáo viên nhiều kinh nghiệm nên được nhiều học sinh chọn học, phụ huynh tin tưởng gửi con, cô Nhung có 2 lớp, mỗi lớp 15 -20 học sinh theo học các ngày trong tuần. “Từ khi có Thông tư 29, nhà trường cũng như Phòng Giáo dục liên tục nhắc nhở, giáo viên chúng tôi ai cũng e ngại nên khi cận ngày, tôi thông báo tạm dừng dạy thêm vì tự nhận thấy mình vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu của Thông tư”, cô Nhung nói.

Theo cô Nhung, nhiều phụ huynh khi nghe ngừng dạy thêm cũng gọi điện bày tỏ lo lắng vì kỳ thi lớp 10 sắp đến, năm nay lại nhiều thay đổi nên ngỏ ý cô cứ vừa dạy vừa xin phép nhưng cô Nhung từ chối. “Tôi có nhiều giáo viên đồng nghiệp ở các quận trung tâm, một số người đã đăng ký kinh doanh thành công chỉ sau 3- 4 ngày nộp hồ sơ, riêng ở TP.Thủ Đức thì giáo viên chưa nghe hướng dẫn gì, thủ tục cũng chưa biết phải làm thế nào nên ai nấy đều lo lắng”, cô Nhung nói.

Tương tự, nhiều giáo viên khác tại TPHCM cũng như đang "ngồi trên lửa” vì có khả năng mất thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng bởi chưa thể tìm được giải pháp phù hợp theo quy định của Thông tư 29.

Tăng cường kiểm tra

Ông Trịnh Khánh Sơn - Quản lý một Trung tâm luyện thi cho hay, kể từ khi có Thông tư 29, Trung tâm trở nên quá tải vì phải tư vấn cho cả giáo viên và học sinh. Theo ông Sơn, Trung tâm đã phải thành lập đội ngũ hơn 10 thành viên để chuyên tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến Thông tư 29 cho giáo viên. “Các câu hỏi xoay quanh giấy phép đăng ký kinh doanh; giáo viên trường công lập có được đứng tên đăng ký; người đăng ký cần có những yêu cầu gì và đặc biệt là nhiều giáo viên muốn trở thành người của trung tâm để tiếp tục giảng dạy lớp mình đang tổ chức…”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Sơn cho hay, với những trường hợp giáo viên muốn trở thành người của Trung tâm thì phải làm việc rất kỹ bởi trước đây, đa phần các giáo viên tổ chức dạy ở nhà, chủ yếu là học sinh của mình nên nhiều không như không đăng ký, không danh sách, không phiếu thu học phí, không chương trình…

“Giờ muốn trở thành người của Trung tâm thì phải rà soát, phân tích lại, đảm bảo không có lớp giáo viên đứng dạy chính học sinh của mình nên sẽ có nhiều xáo trộn, đặc biệt là giáo viên sẽ phải di chuyển nhiều hơn để dạy nhiều lớp khác nhau mới đảm bảo được thu nhập như trước đây”, ông Sơn nói và cho biết, có nhiều giáo viên từ chối với yêu cầu trên và đứng ra nhờ người thân đăng ký kinh doanh hoặc cùng nhau “lách luật” để có giấy phép và tiếp tục dạy học sinh của mình.

Trao đổi với PV, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đã có văn bản tham mưu trình UBND liên quan đến Thông tư 29 để ra văn bản hướng dẫn.

Ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM nói về Thông tư 29 (ảnh: Anh Nhàn)
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM nói về Thông tư 29 (ảnh: Anh Nhàn)

“Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm mà chỉ quản lý một cách khoa học, chặt chẽ hơn. Giáo viên không đủ điều kiện thì không được dạy thêm, ngành giáo dục không du di những trường hợp làm sai quy định. Việc thanh tra sẽ được phân cấp, khi giáo viên làm sai sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Minh nói.

Quy định về dạy thêm của Bộ GD&ĐT

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Trong đó có một số điểm đáng chú ý như:

Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống;

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường;

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau:

Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt;

Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường...

Theo Nguyễn Dũng (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

Nam sinh lớp 8 lan tỏa đam mê tiếng Anh đến trẻ em yếu thế

(GLO)- Hành trình dạy tiếng Anh cho trẻ em yếu thế của nam sinh Nguyễn Viết Minh-Lớp 8.1, Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thời gian qua đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Bằng việc làm này, em đã biến tình yêu Anh ngữ của mình trở nên thiết thực, đầy ý nghĩa.

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

(GLO)- Ngày 6-2, thầy và trò các cấp học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Cùng với hoạt động “khai xuân” sôi nổi, các trường học đã ổn định nền nếp, triển khai công tác dạy và học, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Từ ngày 10-2, thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm

Từ ngày 10-2, thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm

(GLO)- Từ ngày 10-2-2025 sẽ thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.