Giá xăng dự báo giảm nhẹ vào ngày mai 13-2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào ngày mai, mức giảm tuỳ thuộc vào quyết định trích lập, chi quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành

Ngày mai 13-2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá xăng dầu. Kỳ điều hành giá lần này đã lùi lại 2 ngày do ngày 11-2 trùng vào thứ Bảy.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 9-2, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành này giảm so với kỳ tính giá trước đó. Bình quân giá xăng RON92 có giá là 96,969 USD/thùng, xăng RON 95 là 101,18 USD/thùng.

Giá xăng dầu dự báo giảm vào ngày mai 13-2

Giá xăng dầu dự báo giảm vào ngày mai 13-2

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội dự báo giá xăng sẽ giảm 300 - 400 đồng/lít. Trong khi đó, dầu có thể giảm từ 1.200 - 1.500 đồng/lít tùy từng loại. Mức giảm giá của các mặt hàng xăng dầu còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành trích lập, chi quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất ngày 30-1, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 970 đồng/lít, giá bán là 22.320 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 990 đồng/lít, giá bán là 23.140 đồng/lít.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Dầu diesel tăng thêm 890 đồng/lít, giá bán là 22/520 đồng/lít; dầu hỏa tăng 767 đồng/lít, giá bán là 22.576 đồng/lít; giá dầu mazut là 13.934 đồng/kg, tăng 568 đồng/kg.

Thời gian gần đây, vấn đề chiết khấu cho các nhà bán lẻ xăng dầu tiếp tục là vấn đề "nóng", trong bối cảnh Bộ Công Thương đang sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã gửi kiến nghị lên Chính phủ về những khó khăn, bất cập trên thị trường xăng dầu hiện nay và đề nghị cần quy định cứng mức chiết khấu xăng dầu. Trong khi đó, tại đề xuất mới nhất, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm không quy định mức tối thiểu với lý do để các doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh linh hoạt.

Trường hợp để bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, Bộ Công Thương nhấn mạnh khi ký hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại), các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng.

Bộ Công Thương lý giải nếu phải đưa mức chiết khấu cho từng khâu của hệ thống phân phối sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi đưa mức chiết khấu cố định vào chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở sẽ làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

"Khi hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp khó khăn, không có sự chia sẻ giữa các khâu trong hệ thống phân phối thì các khó khăn sẽ dồn hết đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu trong nước"- Bộ Công Thương nêu rõ.

Có thể bạn quan tâm