Tiếp nối đà tăng từ đầu tuần, giá tiêu hôm nay 4/3 tại các vùng nguyên liệu tiếp tục tăng mạnh, thêm 1.500 đồng/kg so với hôm qua, dao động từ 56.000-57.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng ngay đầu vụ nên nhiều hộ dân rất phấn khởi. Dù đã có lãi, nhưng nhiều chủ vườn không dám thuê nhân công mà tự thu hái để giảm chi phí.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay tăng mạnh so với hôm qua. Tại hầu hết các vùng trồng tiêu trọng điểm, giá tiêu hôm nay 4/3 đã tăng thêm 1.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai và Đồng Nai tăng 1.500 đồng/kg lên 56.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông cùng ở mức 56.500 đồng/kg, tăng thêm 1.500 đồng/kg; giá tiêu tại Bình Phước cũng tăng lên 57.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu tăng thêm 1.000 đồng/kg, đạt 57.500 đồng/kg, cao nhất cả nước.
Bảng giá tiêu hôm nay 4/3 tại một số vùng nguyên liệu. Nguồn: tintaynguyen |
Tuy nhiên, một số hộ nông dân trồng tiêu cho biết, giá tiêu thu mua của một số đại lý hiện đang cao hơn so với giá khảo sát trên trang tintaynguyen.
Cụ thể, chị Vịnh ở Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho biết, một số đại lý thu mua nông sản trên địa bàn đang mua tiêu xô với giá từ 57.500 - 58.500 đồng/kg.
Thậm chí tại Đắk Mil (Đắk Nông), sáng nay chị Lê Quyên cho biết một số cơ sở thu mua tiêu xô với giá từ 59.000-60.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Sở dĩ đại lý tăng thu mua là do năng suất, sản lượng nhiều vườn tiêu năm nay sụt giảm hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều hộ cũng chưa muốn bán tiêu ngay mà phơi khô tích trữ, nghe ngóng thị trường. Hầu hết những gia đình cần trả nợ mới phải bán ra.
Nhiều vùng trồng tiêu lớn khác cũng được dự báo sản lượng năm nay giảm nhiều so với năm ngoái. Tại "thủ phủ hồ tiêu" Chư Sê và Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn 2 huyện này bị "xóa sổ" do dịch bệnh, nắng hạn.
Cụ thể, huyện Chư Pưh hiện chỉ còn hơn 1.500 ha hồ tiêu, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2015-2016; huyện Chư Sê còn 2.248 ha, giảm khoảng 1.000 ha so với trước đây.
Nông dân Tây Nguyên thu hoạch tiêu. Ảnh: Quang Đông |
Chính vì thế, không khí vụ thu hoạch tiêu mùa vụ này không còn nhộn nhịp như những năm được mùa, được giá trước đây. Thậm chí, để tiết kiệm chi phí, nhiều hộ không dám thuê nhân công mà tự thu hái. Thêm vào đó, thuê nhân công hiện nay vừa khó, vừa đắt đỏ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá hồ tiêu liên tục giảm sâu trong những năm qua nên người dân hạn chế đầu tư hoặc bỏ bê vườn cây, cộng với tình hình thời tiết diễn biến thất thường, dẫn đến năng suất tiêu giảm mạnh.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, Gia Lai) từng có hơn 1.000 trụ hồ tiêu nhưng bây giờ chỉ còn 500 trụ vì tiêu già cỗi, chết dần do dịch bệnh và nắng hạn. "Do không có vốn chăm sóc tiêu nên dần dần, tiêu cho trái ít, còi cọc. Dự kiến vụ này, tôi chỉ thu được khoảng 1 tấn, giảm hơn 50% so với vụ trước. Có bán hết cũng không đủ tiền chi tiêu và trả lãi ngân hàng" - bà Hậu cho hay.
Lo lắng trước tình trạng năng suất hồ tiêu giảm mạnh cũng là tâm trạng của ông Lê Hùng (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Gia đình ông có 3 ha hồ tiêu (tương đương 6.000 trụ). Vụ trước, ông thu hoạch hơn 15 tấn tiêu, trong khi năm nay chỉ ước chừng gần 10 tấn.
Ông Hùng cho biết: "Giá hồ tiêu những năm gần đây xuống thấp, nhất là đầu năm 2020, giá tiêu giảm sâu kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 35.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người dân hầu như chỉ đầu tư cầm chừng để duy trì vườn cây, dẫn đến năng suất giảm dần qua từng năm. Hy vọng giá hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh để chúng tôi phần nào giảm bớt khó khăn cũng như có tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng".
Năng suất hồ tiêu của gia đình ông Lê Hùng (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giảm hơn 30% so với vụ trước. Ảnh: Quang Tấn |
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhận định: Hiện nay, hầu như nguồn dự trữ hồ tiêu trong dân cũng như các đại lý đã cạn kiệt. Trong khi đó, theo dự ước thì sản lượng hồ tiêu cả nước giảm khoảng 30% so với vụ trước.
Do vậy, nhiều người cũng dự đoán giá tiêu có thể tăng thêm, nhưng sẽ không có đột biến mà dao động quanh 70.000 đồng/kg.
Theo người dân, với năng suất thấp tiêu như năm nay, nếu bán ở thời điểm hiện tại mỗi hecta tiêu cho thu về từ 60-90 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng tiền đầu tư vật tư, phân bón, nước tưới..., mỗi ha tiêu đã tốn trên dưới 50 triệu đồng. Thêm công thu hái và các khoản khác, nông dân gần như không còn lãi. Thậm chí một số gia đình phải bù lỗ.
Trong khi theo ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, với mức giá tiêu như hiện nay, nông dân đã có lãi nhưng không nhiều. Đối với người vay vốn để đầu tư, nếu vay được với lãi suất thấp thì cũng không đến mức phải bù lỗ.
https://danviet.vn/gia-tieu-hom-nay-tang-manh-sat-58000-dong-kg-co-lai-nhung-nhieu-chu-vuon-van-khong-dam-lam-dieu-nay-20210304134757813.htm
Theo THIÊN HƯƠNG (Dân Việt)