Giá nông sản tăng nông dân phấn khởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá cà phê, sầu riêng, mì, mía, lúa gạo cùng một số loại nông sản khác đều tăng trong năm 2023 đã tạo sự phấn khởi cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nông sản được giá

Sau nhiều năm trồng, chăm sóc 3 ha cà phê kinh doanh, chưa năm nào gia đình bà Hoàng Thị Thủy (làng Máih, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) vui như năm nay khi giá cà phê trên thị trường tăng cao và duy trì ổn định từ đầu vụ cho đến cuối vụ. Theo đó, dù mất mùa so với những năm trước nhưng 3ha cà phê của gia đình bà thu được khoảng 10 tấn nhân khô. Bà Thủy vui mừng cho biết, gia đình tôi đã bán trước 5 tấn cà phê nhân với giá 65 ngàn đồng/kg để trả các khoản chi phí đầu tư, công chăm sóc, thu hoạch và trả hết khoản vay ngân hàng đầu tư cho cây cà phê. Hiện nay, gia đình tôi còn gần 5 tấn cà phê chưa bán vì giá vẫn duy trì 68-69 triệu đồng/tấn nhân, nếu bán thì cũng được khoảng 300 triệu đồng. Sau nhiều năm trồng, chăm sóc vườn cà phê thì đây là khoản lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Giá cà phê nhân trong vụ thu hoạch năm nay tăng cao giúp nông dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.Ảnh: Nguyễn Diệp

Giá cà phê nhân trong vụ thu hoạch năm nay tăng cao giúp nông dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.Ảnh: Nguyễn Diệp

“Làm nông nghiệp hiện nay không thể “độc canh” một loại cây trồng như trước đây. Thay vào đó, nông dân đã trồng xen chanh dây, sầu riêng trong vườn cà phê để lấy ngắn nuôi dài. Riêng vườn tôi trồng xen 50 cây sầu riêng vừa rồi thu hoạch 10 cây cũng có nguồn thu nhập 30 triệu đồng”-bà Thủy cho biết thêm.

Không chỉ giá cà phê, giá sầu riêng năm nay cũng tăng và duy trì ổn định từ 60-70 ngàn đồng/kg, có loại cao hơn giúp nhiều hộ trồng sầu riêng có nguồn thu nhập khá. Ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pết, huyện Ia Grai)-cho hay: Giá sầu riêng năm nay tăng cao nên vụ thu hoạch vừa rồi với 150 cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê gia đình tôi thu được gần 21 tấn. Với giá bán ra 60 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi vẫn còn lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ người trồng cà phê, sầu riêng phấn khởi khi giá tăng cao, người dân khu vực các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh cũng vui khi giá lúa, mía, mì cũng tăng hơn những năm trước giúp nông dân đạt lợi nhuận cao và yên tâm đầu tư sản xuất trong năm mới 2024.

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch mì.Ảnh: Nguyễn Diệp

Nông dân huyện Chư Sê thu hoạch mì.Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Võ Ngọc Châu- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa- thông tin: Năm 2023, thời tiết trên địa bàn huyện rất thuận lợi nên các loại cây trồng sinh trưởng phát triển tốt đạt năng suất cao. Mừng nhất là giá các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, mía, mì tăng hơn những năm trước giúp nông dân có lợi nhuận trên mảnh đất và cây trồng của mình. Theo đó, giá mì dao động từ 3.000- 3.600 đồng/kg, giá lúa 9.000 đồng/kg, mía 1,1 triệu đồng/tấn (mía 10 chữ đường) được các Nhà máy bao tiêu sản phẩm nên nông dân không còn lo đầu ra như trước đây nữa.

Kỳ vọng năm mới

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2023, thời tiết trên địa bàn tỉnh thuận lợi, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng nên đã hạn chế được thiệt hại giúp cây trồng sinh trưởng phát triển ổn định. Đặc biệt, đầu ra các loại nông sản của tỉnh không chỉ ổn định mà còn tăng giúp nông dân dễ dàng tiêu thụ và có lợi nhuận.

Ông Hà Đăng Thuận bên vườn sầu riêng mang lại lợi nhuận cao.Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Hà Đăng Thuận bên vườn sầu riêng mang lại lợi nhuận cao.Ảnh: Nguyễn Diệp

Trong niềm vui chung, bà Hoàng Thị Thủy (làng Máih, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) kỳ vọng “ Sang năm mới, nông dân chúng tôi chỉ mong giá cà phê cũng như các mặt hàng nông sản khác tiếp tục duy trì ổn định như hiện nay chứ không cần tăng đột biến rồi lại giảm sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư, sản xuất. Người dân hi vọng giá cà phê nhân trên thị trường tiếp tục duy trì ổn định từ 1-2 năm nữa thì nông dân có thể yên tâm đầu tư sản xuất thâm canh theo hướng bền vững”

Còn ông Hà Đăng Thuận-chia sẻ: Năm 2024, diện tích thu hoạch sầu riêng của gia đình sẽ tăng lên khoảng 400 cây, ước tính năng suất bình quân khoảng 2 tạ/cây, thì gia đình tôi thu hoạch cũng được 80 tấn, chỉ cần giá sầu riêng từ 50 ngàn đồng/kg trở lên thì lợi nhuận trên dưới 4 tỷ đồng.

Nông dân xã Hbông( huyện Chư Sê) thu hoạch mía.Ảnh: Nguyễn Diệp

Nông dân xã Hbông( huyện Chư Sê) thu hoạch mía.Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Lưu Trung Nghĩa- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều thuận lợi khi giá các mặt hàng nông sản tăng giúp nông dân các địa phương có lợi nhuận. Ngoài ra, nhờ tích cực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra các mặt hàng nông sản cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cùng nông dân đẩy mạnh liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn công nghiệp chế biến, tăng cường thâm canh tăng vụ. Cây công nghiệp phát triển theo chiều sâu, gắn thị trường tiêu thụ nâng cao hiệu quả kinh tế.

“ Phát huy những thành quả đạt được trong năm 2023, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục định hướng cùng các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư hạ tầng giao thông liên kết với các vùng nguyên liệu để thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngành trồng trọt gắn các loại cây trồng chủ lực trên cơ sở các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Chương trình hành động, Kế hoạch của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn, xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh…”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.