Già làng góp sức bảo vệ biên giới Ia Mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Bằng những việc làm thiết thực, 2 già làng ở xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là ông Rơ Lan Hlết (SN 1963, làng Klah) và bà Ksor H’Blâm (SN 1945, làng Krông) đã góp sức với lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Cùng chúng tôi dạo một vòng quanh làng, già làng Rơ Lan Hlết tâm sự: Ia Mơ là xã biên giới nhưng có đông người ở nơi khác đến tạm trú, buôn bán hoặc làm nhiều nghề khác nhau. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn.

“Tôi thường chạy xe máy quanh làng xem có đối tượng khả nghi hay vụ việc bất thường thì báo cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Trong các đợt cao điểm, tôi tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an đi tuần tra bảo vệ địa bàn. Tôi cũng thường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động người dân tham gia phòng-chống tội phạm.

Muốn bà con nghe theo, tôi phải làm gương bằng việc dạy bảo con cái và vận động họ hàng chấp hành pháp luật, đơn giản như đi xe máy thì phải đội mũ bảo hiểm”-ông Hlết kể.

Già làng Hlết cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật. Ảnh: T.D

Già làng Hlết cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật. Ảnh: T.D

Chỉ tay vào tấm bảng có mấy khẩu hiệu tuyên truyền phòng-chống ma túy, ông Hlết tiếp lời: “Bộ đội Biên phòng với UBND xã vừa phát động xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”. Thế là tôi có thêm việc.

Tôi thường ngồi với đám trẻ, nhắc các cháu đừng đua đòi rồi nghiện ngập ma túy, phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, không gây gổ đánh nhau. Đám trẻ dễ lây nhiễm cái xấu lắm, nhất là ma túy, phải quan tâm nhắc nhở các cháu thường xuyên.

Tôi cũng thường chia sẻ với dân làng về tác hại của ma túy để họ cảnh giác ngăn ngừa trong gia đình. Đối với gia đình có người hay rượu chè, tôi cũng đến tận nhà khuyên can uống ít lại, chăm lo làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà mấy năm nay, làng không ghi nhận các vụ việc phức tạp. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay chưa phát hiện vụ việc liên quan đến ma túy”.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Rơ Mah Him (làng Klah) chia sẻ: “Ngoài công tác tuyên truyền, già làng Hlết còn hướng dẫn bà con làm các thủ tục giấy tờ và vận động dân làng chấp hành các quy định của pháp luật. Già Hlết làm việc rất tận tâm nên ai cũng tin tưởng, quý mến”.

Tại làng Krông, nữ già làng Ksor H’Blâm cũng luôn quan tâm tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Gần 26 năm qua, dân làng Krông luôn tin tưởng, làm theo lời bà H’Blâm. Nữ già làng đầu tiên ở Gia Lai là cầu nối giữa chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng với người dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dù tuổi đã cao nhưng bà H’BLâm luôn tận tụy với công việc.

Bà chia sẻ: “Ngày trước, cha ông trong làng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Vì thế nên mình phải có trách nhiệm kế thừa, giữ cho biên giới được bình yên. Tôi luôn vận động dân làng chấp hành pháp luật, không nhẹ dạ cả tin mà vi phạm pháp luật, không nghe lời người xấu xúi giục vượt biên, không gây rối nơi công cộng…

Năm 2001, nghe dân báo có 2 đối tượng từ nơi khác vào làng truyền đạo trái phép, tôi cho người làng giữ chân chúng rồi bí mật đi báo Bộ đội Biên phòng và Công an xã. Hai đối tượng bị bắt giữ ngay sau đó. Dạo rồi, đọc báo, nghe đài, biết có nhiều người dân tộc thiểu số ở trong tỉnh bị lừa sang nước ngoài làm việc rồi phải trả tiền chuộc thân, tôi cùng với cán bộ Biên phòng tập trung tuyên truyền để người dân hiểu mà phòng ngừa”.

Để người dân tin tưởng, làm theo, bà H’Blâm luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc chung, sẵn lòng giúp đỡ mọi người lúc khó khăn và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. “Con ốm đau, thiếu tiền đi viện, bà con đến nói, tôi cho mượn ngay. Họ đến mượn tiền mua vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, tôi cũng đưa ngay. Nếu có người vì túng bấn, không trả lại, tôi cũng không đòi nữa. Còn trong làng nếu vợ chồng xích mích, tôi cũng qua hòa giải”-bà H’Blâm nói.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trao đổi với các già làng về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Ảnh: T.D

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trao đổi với các già làng về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Ảnh: T.D

Cũng theo bà H’Blâm, để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao hơn cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn. “Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Công an xã có kỹ năng nghiệp vụ cao và nắm bắt kịp thời các văn bản, quy định của pháp luật. Ngoài ra, họ còn sử dụng thành thạo các máy móc hiện đại nên việc tuyên truyền mang lại hiệu quả cao hơn. Thế nên, tôi thường đề nghị họ cùng phối hợp tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt của làng”-bà H’Blâm tâm sự.

Nói về vai trò của 2 già làng Hlết và H’Blâm trong việc chung tay với Bộ đội Biên phòng giữ yên khu vực biên giới, Trung tá Lê Đình Sự-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Mơ-cho biết: “Các già làng, người có uy tín của xã nói chung, 2 già làng Hlết và H’Blâm nói riêng đã góp công không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở trên địa bàn đơn vị đứng chân.

Đây là lực lượng nòng cốt trong việc vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ am hiểu thực tiễn địa phương và được bà con tin tưởng nên công tác tuyên truyền các quy định pháp luật đi vào chiều sâu.

Thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp với đội ngũ già làng, người có uy tín trong xã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chung tay đảm bảo an ninh biên giới. Nhờ sự hỗ trợ của các già làng mà Đồn Biên phòng Ia Mơ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Có thể bạn quan tâm