Hiện nay, theo thông tin thu nhận được từ hệ thống cảnh báo cháy rừng, trên phạm vi toàn tỉnh đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Để tăng cường PCCCR, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy rừng và các thiệt hại do cháy rừng gây ra, việc triển khai các biện pháp phòng ngừa là nhiệm vụ cấp bách.

Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 737/UBND-NNMT ngày 27-3-2025 về việc chủ động triển khai quyết liệt công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, UBND cấp huyện chủ động, quyết liệt hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PCCCR; thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ, với tinh thần chủ động, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Cùng với đó, chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chức năng và chủ rừng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR; tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mùa khô.
Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các địa bàn trọng điểm cháy, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực có nguy cơ cháy cao, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động nhanh các lực lượng để tổ chức dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên theo dõi và cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là đối với các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương, Nhân dân biết để chủ động thực hiện phương án PCCCR.
Mặt khác, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương; sẵn sàng điều động, hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, hỗ trợ địa phương khi xảy ra cháy lớn hoặc có yêu cầu của địa phương; duy trì chế độ thường trực công tác PCCCR theo quy định.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn chủ động rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng tại chỗ trong công tác PCCCR; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trang-thiết bị tham gia chữa cháy rừng khi có đề nghị của địa phương.

Nắng nóng bao trùm: Cảnh báo nguy cơ cháy rừng rất nguy hiểm tại 35 khu vực

Gia Lai chủ động triển khai quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cháy rừng tại Tuyên Quang chưa tắt, hơn 1.000 người trắng đêm dập lửa
Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường làm tốt công tác thông tin, truyền thông về bảo vệ rừng và PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng đến người dân, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm toàn xã hội trong công tác PCCCR.
Các đơn vị chủ rừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức và thực hiện công tác PCCCR; thường xuyên theo dõi, nắm chắc diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý; tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác PCCCR, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây ra cháy rừng.
Huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ cho PCCCR; rà soát, sửa chữa, nâng cấp các công trình PCCCR, chủ động thực hiện các biện pháp giảm vật liệu cháy tại những khu rừng có tầng vật liệu cháy dày, dễ bắt lửa. Phân công lực lượng trực 24/24 giờ vào những ngày có cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên tại các khu rừng trọng điểm cháy; kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng và các nguyên nhân gây cháy rừng; đảm bảo phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu sẵn sàng ứng cứu tất cả tình huống cháy rừng xảy ra.
Công điện cũng nêu rõ: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, chữa cháy và báo cáo kịp thời.