Gia Lai tiến tới loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp huyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2015, Gia Lai đã được công nhận loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp tỉnh. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp huyện tại 3 địa phương, gồm Chư Pah, Đak Đoa và Krông Pa. Tiếp đó, giai đoạn 2021-2030, phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được công nhận loại trừ bệnh phong.

Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-thông tin: Gia Lai đã đạt các tiêu chuẩn công nhận loại trừ bệnh phong theo quy định của Bộ Y tế trên quy mô cấp tỉnh, tuy nhiên tình hình dịch tễ bệnh phong ở 35 xã trọng điểm của 14 huyện trên địa bàn tỉnh chưa được ổn định, bền vững. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 11 bệnh nhân phong mới, nâng tổng số bệnh nhân phong đang quản lý và điều trị trên địa bàn tỉnh lên 620 người.

 Khám sàng lọc bệnh phong tại cộng đồng. Ảnh: N.N
Khám sàng lọc bệnh phong tại cộng đồng. Ảnh: N.N



Tiến tới loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp huyện, ngày 10-10-2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 2235/UBND-KGVX về việc triển khai các hoạt động loại trừ bệnh phong cấp huyện giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2030. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo chung về chuyên môn cho hệ thống y tế trong công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai kiểm tra loại trừ bệnh phong cấp huyện theo từng giai đoạn; phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn kiến thức về chuyên môn và các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe… Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo loại trừ bệnh phong từ cấp huyện đến cấp xã; tăng cường sự chỉ đạo và nâng cao hiệu quả các hoạt động phòng-chống bệnh phong.

Chư Pah là địa phương đầu tiên triển khai các hoạt động loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Dự kiến vào cuối tháng 11-2019, công tác kiểm tra, đánh giá tiến tới công nhận loại trừ bệnh phong sẽ được triển khai tại huyện này. Theo ông Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, số bệnh nhân phong đang quản lý trên địa bàn là 36 (trong đó có 33 bệnh nhân chăm sóc tàn tật và 3 bệnh nhân đang giám sát sau điều trị); tập trung tại 6 xã: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Phí, Ia Kreng, Chư Đăng Ya và Ia Ly. 3 năm trở lại đây không phát hiện bệnh nhân phong mới.

4 tiêu chí loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện gồm: 3 năm liên tục (tính đến thời điểm kiểm tra) có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân; 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị; 100% bệnh nhân phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở. Đến nay, huyện Chư Pah hầu như đã đảm bảo các tiêu chí trên. Ông Siu Thup-cán bộ chuyên trách phong xã Ia Mơ Nông-thông tin: Số bệnh nhân phong đang quản lý trên địa bàn xã là 6 người; trong đó có 5 bệnh nhân phong tàn tật được chăm sóc, phục hồi chức năng. 5 năm trở lại đây, xã không phát hiện bệnh nhân phong mới. Các bệnh nhân này đều được chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phát triển kinh tế. Hiện nay, nhận thức của người dân về bệnh phong đã được nâng lên, không còn sự phân biệt, kỳ thị đối với người bệnh; các bệnh nhân đều có nhà ở.

3 năm trở lại đây, xã Ia Phí cũng không phát hiện bệnh nhân phong mới. Hiện xã đang quản lý 7 bệnh nhân phong; trong đó có 4 bệnh nhân được chăm sóc tàn tật và 3 bệnh nhân đang được giám sát sau điều trị. “Xét theo 4 tiêu chí về loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện thì xã cơ bản đảm bảo. Công tác phòng-chống phong trên địa bàn xã được tiếp tục tăng cường, đặc biệt là các hoạt động truyền thông về bệnh phong, góp phần nâng cao kiến thức cho người dân trên địa bàn”-ông Rơ Châm Ker-cán bộ chuyên trách phong xã Ia Phí cho hay.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, sau huyện Chư Pah, năm 2020 tỉnh sẽ triển khai loại trừ bệnh phong tại 2 huyện Đak Đoa, Krông Pa. “Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động phòng-chống phong trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường công tác khám phát hiện bệnh phong tại cộng đồng; đẩy mạnh phòng-chống tàn tật, phục hồi chức năng... giúp bệnh nhân phong tái hòa nhập cộng đồng và   tiến tới loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên phạm vi toàn tỉnh”-ông Đồng cho biết.

 

 NHƯ NGUYỆN


 

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.