Gia Lai tích cực chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để triển khai việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021-2022.
Chủ động từ cơ sở
Đầu tháng 1-2021, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vô cùng phấn khởi khi dãy phòng học 3 tầng được đưa vào sử dụng. Công trình này gồm 15 phòng học với tổng kinh phí đầu tư khoảng 8,3 tỷ đồng. Hiện tại, nhà trường đã bố trí cho học sinh 5 lớp bán trú (4 lớp 1 và 1 lớp 2) học tập tại đây; số phòng học còn lại sẽ dùng để phục vụ cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2 vào năm học tới.
Thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Để được bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học, ngay từ những năm học trước, Ban Giám hiệu đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp trên, đồng thời tích cực vận động, kêu gọi xã hội hóa. Đến nay, cơ sở vật chất của trường cơ bản đảm bảo với 43 phòng học văn hóa, 4 phòng học bộ môn, nhà đa năng, sân bóng đá mi ni, bể bơi nhân tạo… Mỗi phòng học được trang bị đầy đủ bàn ghế, máy chiếu, màn hình ti vi có kết nối internet để giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Ảnh: Hồng Thi
Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Ảnh: Hồng Thi
Cũng theo thầy Sỹ, dự kiến năm học 2021-2022, toàn trường có 9 lớp 2 với gần 400 học sinh. Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện đối với lớp 1, nhà trường đã chủ động hơn trong các khâu chuẩn bị, nhất là về đội ngũ giáo viên. Theo đó, nhà trường quan tâm lựa chọn, bố trí đủ số lượng theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Đây đều là những giáo viên có khả năng đảm bảo thực hiện tốt việc đổi mới chương trình. Cán bộ quản lý cũng thường xuyên tiếp cận thông tin, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn và góp ý thay sách để có những chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ giáo viên thực hiện đúng, kịp thời.
Vừa qua, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi là 1 trong 3 đơn vị được Phòng GD-ĐT TP. Pleiku lựa chọn góp ý nội dung SGK Tiếng Việt lớp 2 mới. Cô Lê Thị Tuyết chia sẻ: “So với SGK hiện hành, cả 3 bộ sách Tiếng Việt mới đều có hình ảnh, màu sắc sinh động hơn. Một số bài học của chương trình cũ vẫn được tiếp tục đưa vào chương trình mới. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nội dung sách một số chỗ vẫn còn hạn chế và bất cập về dấu câu, từ ngữ, cách diễn đạt. Tôi cũng đã góp ý cụ thể gửi về Phòng GD-ĐT để tổng hợp”.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vừa đưa vào sử dụng dãy phòng học 3 tầng khang trang, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho việc đổi mới Chương trình GDPT. Ảnh: Hồng Thi.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vừa đưa vào sử dụng dãy phòng học 3 tầng khang trang, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho việc đổi mới Chương trình GDPT. Ảnh: Hồng Thi
Thầy Phạm Văn Hinh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang) cho hay: Vì trường chỉ có 1 lớp 2 và 1 lớp 6 với khoảng 80 học sinh nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy tương đối thuận lợi. Hiện tại, mọi điều kiện đều đảm bảo để thực hiện đổi mới chương trình theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Đa phần học sinh nơi đây không có điều kiện mua SGK. Do đó, nhà trường đang lên kế hoạch kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ SGK mới cho học sinh lớp 2 và lớp 6 khi sách được chính thức lựa chọn, phát hành.
Quyết tâm triển khai hiệu quả
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về đổi mới chương trình, SGK được đẩy mạnh. Trong đó, ngành chú trọng tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, SGK nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với đó, Sở cũng đang tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 theo kế hoạch. Riêng SGK giáo dục địa phương lớp 6, Sở phối hợp với Ban Quản lý Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất (giai đoạn 2) để biên soạn và thẩm định.
Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước sẽ thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội. Theo lộ trình, việc đổi mới sẽ được tiếp tục triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 vào năm học 2022-2023; lớp 4, lớp 8 và lớp 11 vào năm học 2023-2024; lớp 5, lớp 9 và lớp 12 vào năm học 2024-2025.

Sở GD-ĐT cũng đang trình UBND tỉnh ban hành quyết định về tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 và sẽ có công văn hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT; chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 và đã có tổng hợp báo cáo gửi Bộ GD-ĐT. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, chuẩn bị cho việc đề xuất lựa chọn SGK.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện theo hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực học sinh. Ảnh: Hồng Thi
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện theo hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực học sinh. Ảnh: Hồng Thi
Việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDPT để thực hiện đổi mới chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6 được đặc biệt chú trọng. Cụ thể, Sở xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức cho cán bộ, giáo viên; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán; lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 để cấp tài khoản và xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng đại trà các mô đun 1, 2, 3; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn cho giáo viên về sử dụng SGK lớp 2 và lớp 6; tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT…
Đối với giáo viên dự kiến dạy lớp 2 và lớp 6 cần phát huy thế mạnh về kinh nghiệm đã được tiếp cận các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mới, theo hướng mở từ nhiều năm học trước; tích cực, nghiêm túc trong việc góp ý bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 cũng như chủ động tiếp cận SGK khi được công bố rộng rãi, có kế hoạch giảng dạy thử nghiệm để có thể tiếp cận chương trình mới một cách hiệu quả. Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn chỉ đạo các phòng GD-ĐT nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có; tham mưu với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học cần thiết.
Đến thời điểm hiện tại, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang) đã đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021-2022. Ảnh: Hồng Thi
Đến thời điểm hiện tại, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang) đã đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021-2022. Ảnh: Hồng Thi
“Mặc dù đã có sự chủ động vào cuộc quyết liệt, song toàn ngành vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới. Theo đó, hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ; khoảng cách giữa các điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ phòng học/lớp chung toàn tỉnh chỉ đạt 0,93, thừa thiếu cục bộ và nhiều trường chưa đủ 1 phòng/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; thiếu phòng chức năng, trang-thiết bị phục vụ dạy học và thực hiện đổi mới. Dự kiến đến năm học 2021-2022, khi triển khai thực hiện chương trình, SGK mới ở lớp 2 và lớp 6, toàn tỉnh sẽ thiếu 2.817 giáo viên. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy học”-Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin thêm.
Thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh cấp ngân sách hỗ trợ SGK cho thư viện các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số; tham mưu tuyển đủ biên chế giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; đồng thời, kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà xuất bản hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện như tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ.
“Chương trình GDPT mới có nhiều bộ SGK, nhiều nhóm tác giả và mỗi địa phương có thể lựa chọn SGK để giảng dạy phù hợp. Thêm vào đó, chương trình có hướng mở, các môn học cũng có sự thay đổi để giúp học sinh phát triển toàn diện. Vì vậy, sắp tới, các cơ sở giáo dục phải thật sáng suốt lựa chọn những bộ SGK phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và học sinh để có thể triển khai thực hiện hiệu quả”-ông Lê Duy Định nhấn mạnh.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.