(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 513/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai đánh giá hệ thống cơ chế chính sách hiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới; huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư dự án; cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, hàng năm; tham mưu việc bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, nhất là đối với các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ phân loại hạt điều. Ảnh: Hà Duy |
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính cân đối, đảm bảo nguồn kinh phí cho các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội các vùng biên giới đã được các cấp có thẩm quyền ban hành trên địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan nắm chắc tình hình nội ngoại biên, quản lý chặt chẽ biên giới, địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân khu vực biên giới tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.
Các Sở: Ngoại vụ, Công thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan, đặc biệt các địa phương khu vực biên giới đảm bảo an ninh, an toàn chủ quyền biên giới quốc gia, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, ổn định thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân...
Đối với 3 huyện biên giới Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách của Nhà nước; phát huy các lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội nâng cao đời sống người dân; lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung bố trí vốn đầu tư nhằm triển khai, thực hiện hoàn thành dứt điểm, sớm đưa vào sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biên giới, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thương mại, giao thông phục vụ xuất-nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong hoạt động mua bán, trao đổi qua biên giới.
HÀ DUY