Gia Lai: Nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều ngày qua, Gia Lai không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập qua đường biên giới vào tỉnh ta là rất lớn. Vì vậy, người dân và lực lượng chức năng cần tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Từ ngày 29-1 đến 11-2-2021, Gia Lai đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả số bệnh nhân này đã được điều trị khỏi. Từ ngày 11-2 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận thêm ca mắc mới nào. Dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế, dập tắt. Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục nên hầu hết người dân đều có ý thức chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Lê Văn Hiền hành nghề xe ôm tại Bến xe Đức Long (TP. Pleiku) nói: “Tôi làm việc ở môi trường bến xe, tiếp xúc nhiều người nên lúc nào cũng đeo khẩu trang và có sẵn khẩu trang dự phòng. Mình chủ động đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng”.
Đối với các hãng xe khách, việc chủ động phòng-chống dịch được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Chị Nguyễn Thị Thùy Phương-nhân viên Công ty TNHH một thành viên Phú Hòa (tỉnh Kon Tum) phụ trách tuyến Kon Tum-Gia Lai-cho biết: “Khi khách lên xe thì bắt buộc phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Hành khách nào không có khẩu trang thì mình cấp cho họ. Nhìn chung, hành khách đều chấp hành tốt quy định phòng-chống dịch”.
26-4-2021 Lực lượng chức năng phường Hội Thương, TP.Pleiku nhắc nhở người dân đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh Như Nguyện
Lực lượng chức năng phường Hội Thương (TP. Pleiku) nhắc nhở người dân đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Như Nguyện
Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, công tác phòng-chống dịch Covid-19 được duy trì thường xuyên và đi vào khuôn khổ. Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Dịch vụ và Marketing-thông tin: “Chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch. Tất cả nhân viên đều đeo khẩu trang, kính ngăn giọt bắn, các khu vực được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Đối với khách hàng đến siêu thị bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào khu mua sắm. Những khách hàng nào không đeo khẩu trang thì chúng tôi từ chối phục vụ”.
Tuy vậy, sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới, người dân trong tỉnh bắt đầu có dấu hiệu chủ quan trong công tác phòng-chống dịch. Tại một số khu vực công cộng, nhiều người vẫn không thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Bà Lê Thị Kim Hòa-tiểu thương ở chợ Hội Thương (TP. Pleiku) phân trần: “Nhiều lúc bí bách nên tháo khẩu trang xuống. Hiện nay, dịch Covid-19 tại tỉnh ta cũng yên rồi nên người dân cũng chủ quan. Người đi chợ cũng có người đeo, người không”.
Quyết liệt phòng-chống dịch Covid-19
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại Vương quốc Campuchia đang diễn biến khó lường. Trong khi đó, tỉnh ta có khoảng 90 km đường biên giới với Campuchia. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh là rất lớn. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị phối hợp triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, nhất là tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn xuất-nhập cảnh trái phép.
Theo đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng nắm chắc tình hình nội-ngoại biên; tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; kiểm soát xuất-nhập cảnh và phòng-chống dịch Covid-19; kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vượt biên. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu; phối hợp phân luồng, kiểm tra xử lý y tế, làm thủ tục nhanh chóng cho người, phương tiện xuất-nhập cảnh; hàng hóa xuất-nhập khẩu, đảm bảo vừa phòng-chống dịch vừa tạo điều kiện lưu thông qua biên giới.
Các đơn vị chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 cho người dân khu vực biên giới. Làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia để trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả công tác chống xuất-nhập cảnh trái phép và phòng-chống dịch bệnh lây lan qua biên giới.
Lực lượng chức năng khử khuẩn phương tiện qua lại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Như Nguyện
Lực lượng chức năng khử khuẩn phương tiện qua lại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Như Nguyện
Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Hiện nay, ngành Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng-chống dịch, nhất là kiểm dịch y tế biên giới. Hiện nay, dịch bệnh tại Campuchia diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn. Vì vậy, người dân có người nhà sinh sống tại Campuchia cần động viên người nhà ở yên tại chỗ, nếu bắt buộc phải về thì phải đi bằng đường chính ngạch, khai báo y tế và cách ly theo quy định. Người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch, nhất là thông điệp 5K.
Theo Sở Y tế, người dân khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ có yếu tố dịch bệnh thì thông tin ngay cho đường dây nóng theo số điện thoại: 0913411899 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và số điện thoại: 0966881717 của Sở Y tế để triển khai các biện pháp phòng-chống kịp thời.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.