Gia Lai: Kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai phục hồi khá mạnh mẽ với mức tăng gần 48% so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, khả năng hoàn thành mục tiêu 610 triệu USD trong năm 2021 là hoàn toàn khả quan.

Nhiều mặt hàng tăng khá

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chạm mức 215 triệu USD, đạt 35,29% kế hoạch, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm 2020. Một số mặt hàng chủ lực có mức tăng khá như: cà phê đạt 84 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch 126 triệu USD (tăng 39% về lượng, tăng 51% về giá trị); mủ cao su 800 tấn, tương ứng kim ngạch 1,07 triệu USD (tăng 6,67% về lượng, tăng 18% về giá trị; sản phẩm gỗ đạt 1,35 triệu USD (tăng 3,8%); các mặt hàng khác đạt 86,8 triệu USD (tăng 44% so với cùng kỳ năm trước).

 Sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Đức Thụy
Sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Đức Thụy


Ông Đinh Gia Nghĩa-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai-cho biết: Trong 4 tháng đầu năm nay, Công ty đã xuất khẩu hơn 10 ngàn tấn sản phẩm. Thị trường chủ yếu là EU (chiếm khoảng 65% kim ngạch), tiếp đến là Mỹ và Trung Quốc. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt 230% so với năm 2019 kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

“Năm nay, Công ty sẽ xuất khoảng 40 ngàn tấn sản phẩm (bao gồm chanh dây cô đặc, hoa quả tươi, hoa quả đóng hộp) với kim ngạch xuất khẩu trên 70 triệu USD. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn nữa, vì vùng nguyên liệu dứa Queen và dứa Cayen bước vào thu hoạch cuối năm, từ đó gia tăng thêm mặt hàng xuất và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng”-ông Nghĩa kỳ vọng.

Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn là cà phê, cao su, hồ tiêu, rau quả… Các sản phẩm này đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 300 triệu USD/năm.

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ lực của tỉnh. Ảnh: Thảo Nguyên
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ lực của tỉnh. Ảnh: Thảo Nguyên


Bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Hoạt động xuất khẩu của Công ty đã có mức tăng trưởng đáng kể trong các tháng đầu năm nay. Với chính sách mở cửa thị trường, tác động của các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8-2020 đã mở ra cơ hội cho hàng nông sản thâm nhập và mở rộng thị trường mới.

Trong 4 tháng đầu năm, Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu được 50 ngàn tấn cà phê, đạt 80 triệu USD. Trên cơ sở dự báo tình hình, dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hiệp sẽ đạt 145 triệu USD với khoảng 90 ngàn tấn sản phẩm bao gồm: cà phê nhân xô, cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính vẫn là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%.

“Công ty đang xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến cà phê, hồ tiêu và một số nông sản khác tại Khu Công nghiệp Trà Đa, dự kiến đến tháng 11 sẽ đi vào hoạt động. Cùng với đó, Công ty cũng có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc”-bà Trần Thị Lan Anh thông tin.

Tạo đà tăng trưởng sau dịch Covid-19

Toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 11 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Hiện giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80%. Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương, vừa qua, Sở làm việc với các doanh nghiệp để khảo sát tình hình xuất khẩu nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, tồn tại trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất khẩu. Từ đó, Sở sẽ đề xuất phương án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Qua khảo sát sơ bộ một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn của tỉnh cho thấy, đối với mặt hàng cà phê ở các đơn vị chủ lực gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang đạt trên 60% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, còn lại là các doanh nghiệp khác. Đối với trái cây, bên cạnh DOVECO Gia Lai dự kiến kim ngạch đạt 70 triệu USD thì Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đạt khoảng 60 triệu USD với sản lượng khoảng 130 ngàn tấn trái cây gồm chuối, mít…

Xuất khẩu chanh dây của DOVECO Gia Lai đã góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021. Ảnh: Thảo Nguyên
Xuất khẩu chanh dây của DOVECO Gia Lai đã góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2021. Ảnh: Thảo Nguyên

Năm 2021, tỉnh ta phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu là 610 triệu USD (tăng 5,17% so với năm 2020). Ước các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê 205 ngàn tấn, tương ứng 305 triệu USD (tăng 2,5% về lượng và 2,3% về giá trị); mủ cao su 7.200 tấn, tương ứng 10,5 triệu USD (tăng gần 11% về lượng và 11,7% về giá trị); gỗ tinh chế 8,5 triệu USD (tăng 13,3%); mì lát 9 ngàn tấn, tương ứng 2 triệu USD (tăng 12,5% về lượng và 11% về giá trị); hàng khác 284 triệu USD (tăng 7,9%).
 

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nguồn cung trên thị trường thế giới thiếu hụt, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng tại một số thị trường lớn. Trong khi đó, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất không bị gián đoạn nên khả năng khối lượng hàng xuất khẩu gia tăng. Đặc biệt, do lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA nên việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi.

Đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh vẫn duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống, trong khi nguồn cung tại một số quốc gia có tương đồng về sản phẩm với Việt Nam bị hạn chế do ảnh hưởng dịch Covid-19. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã có mức tăng trưởng rất khả quan nên cũng kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ, đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới nên gây không ít khó khăn trong việc gặp gỡ đối tác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, khó khăn trong khâu vận chuyển, giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp…

Đánh giá khả năng hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2021, bà Đào Thị Thu Nguyệt cho rằng: Cần thiết phải triển khai một số giải pháp như: thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; nâng cao chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của tỉnh; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác cây trồng cho năng suất chất lượng cao, đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đặc biệt, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, quốc gia tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) và Hiệp định EVFTA.
 

THẢO NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm