Gia Lai: Kết nghĩa để hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai không những thắt chặt mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với người dân mà còn hỗ trợ hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Từ mô hình điểm ở Kbang

Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang duy trì việc phân công các tổ chức cơ sở Đảng kết nghĩa với xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị phụ trách làng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, gần 100 hộ dân được các cơ quan, đơn vị của huyện hỗ trợ, hướng dẫn vươn lên thoát nghèo.

Theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, mỗi năm, Chi bộ Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku phụ trách giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo. Riêng năm 2023, Công ty được giao hỗ trợ 4 hộ nghèo ở làng Chợch (xã Lơ Ku) và làng Klư (xã Krong) vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hợi-Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku-cho biết: Sau khi rà soát, nắm tình hình sản xuất, đời sống, nguyên nhân nghèo của từng hộ, Công ty hỗ trợ mỗi hộ 1 máy cắt cỏ, đồng thời tạo điều kiện cho những hộ này nhận trồng rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất khai thác cây keo; ký hợp đồng nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trồng cho Công ty để cải thiện thu nhập.

Đại diện Sở Y tế bàn giao bò cho hộ nghèo tại làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (ảnh Sở Y tế cung cấp).

Đại diện Sở Y tế bàn giao bò cho hộ nghèo tại làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (ảnh Sở Y tế cung cấp).

“Cán bộ, đảng viên của Công ty tận tình hướng dẫn các hộ tổ chức lại sản xuất, tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Từ sự động viên này, họ tự tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống”-ông Hợi cho hay.

Gia đình ông Đinh Lui (làng Chợch) là một trong những hộ được Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku hỗ trợ để thoát nghèo. Ông Lui cho hay: Gia đình ông có 11 thành viên, trong đó có 6 lao động. Đông con nhưng mỗi năm thu nhập từ 1,5 ha mì, bắp và gần 2 sào lúa chẳng đáng bao nhiêu. Thời điểm đầu năm 2023, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Bước ngoặt tạo thay đổi đối với gia đình ông là khi được Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku tặng máy cắt cỏ; đồng thời, hướng dẫn một số thành viên trong gia đình tham gia tổ máy cày của làng để có thêm thu nhập. Ngoài ra, gia đình ông còn được tạo điều kiện canh tác trên diện tích hơn 5 sào vừa khai thác cây keo của Công ty và ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với thu nhập 5-6 triệu đồng/năm. Có đủ các điều kiện phát triển sản xuất, các thành viên trong gia đình tích cực lao động nên gia đình ông đã thoát nghèo vào cuối năm 2023.

Cũng theo sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, Tòa án nhân dân huyện, Chi bộ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Lơ Ku đã nhận hỗ trợ 3 hộ tại làng Đăk Kjông thoát nghèo; Chi bộ Trường Mẫu giáo và Trạm Y tế xã Lơ Ku nhận hỗ trợ 2 hộ nghèo tại thôn 1.

Bà Dương Thị Thanh Xuân-Phó Bí thư Đảng ủy xã Lơ Ku-thông tin: Các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách giúp đỡ hộ nghèo thường xuyên phối hợp với Đảng ủy, UBND xã và chi bộ thôn, làng nắm bắt tình hình của các hộ dân; chủ động khảo sát nguyện vọng và nhu cầu của từng gia đình để có kế hoạch hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ lao động sát với thực tế. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực từ các đơn vị kết nghĩa, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn dần được cải thiện.

Ngoài ra, Đảng ủy, UBND, Mặt trận và các đoàn thể xã Lơ Ku cũng phân công cán bộ, công chức phụ trách tuyên truyền, vận động 43 hộ gia đình nỗ lực sản xuất, phát triển chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, xã có 49 hộ thoát nghèo theo chỉ tiêu kế hoạch.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Lơ Ku thông tin thêm: “Chi bộ Khối Đảng và Đảng ủy Quân sự huyện Kbang cũng vừa tổ chức kết nghĩa với làng Kbông. Ngoài việc tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh tại cơ sở, các cơ quan này còn có nhiệm vụ giúp 3 hộ nghèo và cận nghèo trong làng vươn lên thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ cận nghèo”.

Trao đổi với P.V, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ cho biết: Giai đoạn 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, hỗ trợ gần 800 hộ nghèo tại các xã: Nghĩa An, Tơ Tung, Sơn Lang, Krong, Đăk Rong, Lơ Ku, Đăk Smar, Sơ Pai, Kông Lơng Khơng, Kông Bơ La và xã Đông với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, làm nhà vệ sinh; mua giống vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi…

Đáng chú ý, năm 2023, huyện phân công 63 cơ quan, đơn vị hỗ trợ 100 hộ nghèo của các xã: Krong, Đăk Rong, Kông Lơng Khơng, Đăk Smar và Lơ Ku. Các cơ quan, đơn vị đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình hộ nghèo; thống nhất xây dựng kế hoạch hỗ trợ.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động các hộ từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa còn hướng dẫn cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, vay vốn ngân hàng để đầu tư vào sản xuất; hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… Nguồn hỗ trợ này đã giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023.

“Năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy giao 2 Đảng bộ, 2 chi bộ và chỉ đạo UBND huyện phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 4 làng đặc biệt khó khăn của các xã: Lơ Ku, Đăk Smar, Đăk Rong, Kon Pne”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang cho biết thêm.

Đến Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Không chỉ riêng huyện Kbang, từ năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Pơ cũng phân công 66 cơ quan, đơn vị, trường học phụ trách giúp đỡ 20 làng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Các cơ quan, đơn vị được giao phụ trách làng đã chủ động phối hợp với Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở vận động người dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đồng bào DTTS triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình để ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tương tự, các địa phương cũng phân công các cơ quan, đơn vị tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng; đồng thời, giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và các hội đoàn thể cơ sở phụ trách hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo tại địa phương đăng ký thoát nghèo.

Các đơn vị ở huyện Kbang tặng quà cho người dân làng Kon Hleng (xã Kon Pne) tại lễ kết nghĩa. Ảnh: Hữu Nở

Các đơn vị ở huyện Kbang tặng quà cho người dân làng Kon Hleng (xã Kon Pne) tại lễ kết nghĩa. Ảnh: Hữu Nở

Để tiếp tục vun đắp, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng DTTS thêm bền chặt cũng như bảo đảm công tác kết nghĩa ngày càng thiết thực, phù hợp với tình hình mới, ngày 5-12-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ thị này, UBND tỉnh đã phân công 20 sở, ban, ngành tiến hành kết nghĩa với 17 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể được các đơn vị này bàn bạc, thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Tùy khả năng, điều kiện thực tế của mình, từng cơ quan, đơn vị sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp để cải thiện, nâng cao đời sống người dân, nhất là những hộ được lựa chọn hỗ trợ, giúp đỡ vươn lên thoát nghèo.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Đơn vị được giao tổ chức kết nghĩa với buôn Rưng Ma Đoan, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Đây là buôn có đến 99% dân số là người DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện buôn còn 4 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo.

“Thông qua hoạt động kết nghĩa, Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới. Sở cũng sẽ cố gắng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở”-ông Hòa nhấn mạnh.

Tương tự, Ban Dân tộc và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được phân công kết nghĩa với làng Klư, xã Krong, huyện Kbang. Ông Đinh Văn Ớt-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Klư-cho biết: Cuối năm 2023, làng còn 28 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo. Hàng năm, 2 cơ quan kết nghĩa phấn đấu chọn từ 5 hộ nghèo, khó khăn trở lên để giúp đỡ thoát nghèo.

“Tôi mong muốn các cơ quan kết nghĩa quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, các cơ quan cần giúp bà con địa phương nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững”-ông Ớt cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

Trao 190 suất quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cô đỡ thôn bản tỉnh Gia Lai

(GLO)- Ngày 18-1, tại TP. Pleiku, Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức chương trình “Lan tỏa yêu thương” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.