Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo: Đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 357 căn nhà cho hộ nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Qua đánh giá cho thấy, việc hỗ trợ đúng đối tượng và đảm bảo về diện tích, chất lượng nhà ở.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Chiều muộn, khi những tia nắng cuối ngày dần tắt, chị Đinh Thị Đép (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) mới từ rẫy trở về nhà. Kể từ khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng ngôi nhà khang trang, gia đình chị đã được tiếp thêm động lực để lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Mỗi khi xong việc gia đình, chị lại tranh thủ đổi công cho bà con dân làng hoặc đi làm thuê để có thêm thu nhập.

Đoàn công tác của Sở Xây dựng tìm hiểu thực tế tại một số gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Kông Chro. Ảnh: H.T

Đoàn công tác của Sở Xây dựng tìm hiểu thực tế tại một số gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Kông Chro. Ảnh: H.T

Trước đây, 5 thành viên trong gia đình chị phải sống trong căn nhà sàn chật chội, xuống cấp, diện tích chưa tới 30 m2. Không những thế, mỗi khi trời mưa to, ai cũng nơm nớp lo nhà bị sập. Vì thế, khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, chị vui mừng khôn xiết. Chị bộc bạch: “Mình xoay xở mãi mới có thêm được 50 triệu đồng để góp vào làm nhà. Bà con dân làng ai cũng thương nên hỗ trợ ngày công, giúp mình tiết kiệm chi phí để có căn nhà rộng rãi. Gia đình mình sẽ cố gắng làm ăn để sớm thoát nghèo”. Ông Đinh Văn Huynh-cha của chị Đép-xúc động nói: “Từ nay, sinh hoạt của gia đình đã thuận lợi hơn rồi. Mình cũng mới chia cho vợ chồng Đép 5 sào đất để làm vốn sản xuất”.

Cách đó không xa, gia đình chị Hà Thị Lý (tổ dân phố Plei Ktoh, thị trấn Kông Chro) cũng phấn khởi không kém. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, chị Lý cho biết: Năm 2013, chị được cha mẹ cho mảnh đất rộng hơn 100 m2 để làm nhà, song vì hoàn cảnh khó khăn nên mãi không thực hiện được. Hơn 10 năm qua, gia đình chị phải sống chung với bố mẹ trong căn nhà sàn chật chội. “Nhà không có đất sản xuất, thu nhập chỉ trông vào tiền làm thuê. Khi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình cũng cố gắng góp thêm 14 triệu đồng từ tiền tiết kiệm để căn nhà được khang trang hơn. Mới đây, vợ chồng tôi vừa làm thêm gian bếp, mái hiên, mua bồn đựng nước và mua sắm thêm một số vật dụng phục vụ sinh hoạt từ số tiền làm thuê”-chị Lý vui vẻ cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tuấn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro-cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, thị trấn có 44 hộ được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có 15 hộ được hỗ trợ xây mới (44 triệu đồng/hộ) và 29 hộ được hỗ trợ sửa chữa (22 triệu đồng/hộ). Để đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, UBND thị trấn chỉ đạo các tổ dân phố căn cứ kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 để tiếp tục rà soát nhằm đảm bảo khách quan, chính xác; tổ chức họp lấy ý kiến khu dân cư, trong đó, ưu tiên các hộ có khả năng đối ứng. Theo đó, các hộ thụ hưởng đều có nhà ở không đảm bảo về diện tích và chất lượng. Chúng tôi cũng đã huy động các gia đình và cộng đồng đóng góp thêm 920 ngày công và 1,915 tỷ đồng. Đến nay, thị trấn đã hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ nghèo.

Còn bà Nguyễn Thị Phượng-Chủ tịch UBND xã An Trung thì cho hay: Năm 2023, xã có 9 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Để triển khai chương trình, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ban nhân dân các thôn, làng rà soát, lập danh sách hộ có nhu cầu cấp thiết cần xây dựng nhà ở. Theo đó, các hộ được lựa chọn hỗ trợ đều có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo về diện tích hoặc không có khả năng tự xây dựng nhà ở. Ngoài giám sát, theo dõi, hướng dẫn các hộ mua vật liệu, xã cũng huy động cộng đồng đóng góp thêm ngày công hỗ trợ xây dựng nhà và rà soát hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất ở để xây dựng nhà. Đến nay, các hộ đã hoàn thành xây dựng nhà và đưa vào sử dụng.

Theo thông tin từ UBND huyện Kông Chro, năm 2023, toàn huyện có 357 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 12,298 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 11,18 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,118 tỷ đồng. Ông Lý Duyên Lộc-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-khẳng định: “Để việc hỗ trợ đảm bảo đúng quy định, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025. Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế, thành lập tổ giúp việc và phân công thành viên phụ trách nhằm kịp thời giám sát, hỗ trợ các địa phương thực hiện, nhất là những xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và các thôn, làng đặc biệt khó khăn. Với sự chung tay của các cấp, ngành, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo trên địa bàn huyện đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng”.

Đảm bảo chất lượng

Dẫn chúng tôi tìm hiểu thực tế tại một số căn nhà vừa được hỗ trợ xây dựng, Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lý Duyên Lộc cho biết thêm: Toàn huyện có 202 hộ được hỗ trợ xây mới và 155 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Huyện đã phổ biến 5 mẫu hồ sơ thiết kế nhà ở do Sở Xây dựng ban hành cho hộ nghèo tham khảo lựa chọn theo nhu cầu. Qua đó, đa số các hộ chọn xây dựng theo mẫu nhà sàn với kết cấu móng, trụ khung, sàn bằng gỗ. “Chương trình được triển khai đã đáp ứng nhu cầu bức thiết của hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huyện còn huy động các gia đình và cộng đồng đóng góp thêm vật chất và ngày công với tổng trị giá hơn 4,1 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 357 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Chất lượng các nhà ở đảm bảo theo quy định, diện tích nhà tối thiểu 30 m2”-ông Lộc nói.

Tất cả nhà ở được hỗ trợ xây dựng cho người nghèo tại huyện Kông Chro đều đảm bảo diện tích theo quy định. Ảnh: H.T

Tất cả nhà ở được hỗ trợ xây dựng cho người nghèo tại huyện Kông Chro đều đảm bảo diện tích theo quy định. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Sơn-Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: Cùng với việc ban hành văn bản hướng dẫn, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác giám sát nhằm đảm bảo việc hỗ trợ nhà ở cho người dân đúng quy định. Từ tháng 8-2023 đến nay, Sở đã tổ chức 3 đợt giám sát, kiểm tra thực tế hơn 300 căn nhà tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kông Chro. Thông qua các đợt giám sát, Sở đã kịp thời hướng dẫn, thông tin các quy định của cấp trên cho các cấp chính quyền địa phương nắm trong quá trình thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người dân đảm bảo đúng quy định. Nhìn chung, các xã, thị trấn đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo đúng quy trình; nhà ở xây dựng cơ bản đảm bảo về diện tích và chất lượng theo yêu cầu.

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại Kông Chro vẫn còn một số khó khăn nhất định. Trong đó, bất cập lớn nhất hiện nay là sự chênh lệch về mặt kinh phí xây dựng. Cụ thể, kinh phí xây dựng mới theo các mẫu thiết kế ban hành dao động trong khoảng 78-80 triệu đồng/căn trong khi vốn Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng/căn. Trên thực tế, nhiều hộ nghèo không thể đối ứng đủ phần kinh phí còn thiếu. Mặt khác, đối với những hộ dân lựa chọn xây nhà theo mẫu nhà sàn, tường nhà không thể xây bằng gạch, đá mà chủ yếu dùng vách tôn liên kết với khung bằng gỗ hoặc sắt để bao che.

“Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Kông Chro có 649 hộ được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Như vậy, theo lộ trình, trong 2 năm (2024-2025), huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 292 hộ nghèo còn lại. Để khắc phục các khó khăn trong hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo ở những năm tiếp theo, Sở đã báo cáo UBND tỉnh để đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ hỗ trợ thêm kinh phí cho UBND tỉnh nhằm hỗ trợ thêm cho người dân”-Trưởng phòng Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Vị quê giữa phố

Vị quê giữa phố

(GLO)- Đó là những thức món rất dân dã, thậm chí trước kia còn được gọi là món “con nhà nghèo”. Vậy mà giờ đây vị quê lại thành “đặc sản” giữa phố.