Gia Lai hướng PCI đến tốp 20 - Kỳ 1: "3 chìm" kéo PCI tụt hạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Góp phần tạo sự thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) là những mục tiêu để Gia Lai nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) suốt thời gian qua nhằm hướng tới tốp 25 trong năm 2021 và tốp 20 vào năm 2025.
Trên bảng xếp hạng PCI năm 2020, Gia Lai có 3 chỉ số thành phần bị giảm điểm là tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động. Cả 3 chỉ số này đều có trọng số cao nhất (20%) khiến Gia Lai bị giảm 8 bậc trên bảng xếp hạng và đứng vị trí 38/63 tỉnh, thành với 63,12 điểm.
Tính minh bạch giảm điểm
Tính minh bạch và tiếp cận thông tin là chỉ số đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của DN. Việc cải thiện chỉ số này nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, giảm chi phí không chính thức, tạo bình đẳng về cơ hội kinh doanh. Đối với tổng thể nền kinh tế, các chính sách nhằm tăng tính minh bạch giúp kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy vậy, năm 2020, chỉ số này của Gia Lai bị giảm 0,21 điểm (năm 2019 là 6,6 điểm, năm 2020 là 6,39 điểm). 
Trong chỉ số thành phần này, có một số chỉ số con (hay còn gọi là chỉ tiêu) có vị trí rất thấp. Qua khảo sát, chỉ có 46% số DN cho biết có truy cập vào website của tỉnh, chỉ tiêu này dẫn đến Gia Lai xếp thứ 51/63 tỉnh, thành. Chứng tỏ lượng thông tin có trên website của các sở, ngành chưa đáp ứng yêu cầu của DN; 63% DN được khảo sát cho rằng cần thỏa thuận nộp thuế thông qua cán bộ thuế. Sự thiếu minh bạch này dẫn đến vị trí xếp hạng của Gia Lai chỉ là 55/63 tỉnh, thành. Ngoài ra, chỉ tiêu tiếp cận tài liệu pháp lý cũng chỉ đạt 3,03 điểm, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành chứng tỏ vấn đề này cũng chưa hoàn toàn thuận lợi đối với DN. 
Dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Đại Lộc (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Dự án điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH một thành viên Năng lượng xanh Đại Lộc (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh đó, theo đánh giá của DN, việc cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh vẫn chưa thực hiện tốt, nhất là việc thông tin đăng tải trên website của các sở, ngành và địa phương vẫn chưa đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, nhiều DN ít tìm hiểu thông tin trên website của các cơ quan nhà nước. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho rằng: “Nguyên nhân khiến chỉ số này tụt hạng là do trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế. Hoạt động hỗ trợ thông tin trong tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của DN. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực, hạ tầng về công nghệ ở một số DN nhỏ còn hạn chế khiến việc tiếp cận thông tin chậm”.
Dịch vụ hỗ trợ DN còn hạn chế
Chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ DN” là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực DN nhỏ và vừa, bao gồm: xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp tại địa phương, dịch vụ giới thiệu việc làm... Những dịch vụ này nếu được cung cấp rộng rãi và có chất lượng sẽ giúp DN hoạt động tốt hơn trong sản xuất kinh doanh. Năm 2020, ở chỉ số này, Gia Lai chỉ đạt 5,78 điểm, giảm đến 1,59 điểm so với năm 2019 (7,37 điểm).
Phân tích kết quả khảo sát cụ thể của 24 chỉ tiêu có thể thấy một số nguyên nhân khiến chỉ số thành phần bị giảm điểm bởi: Gia Lai có rất ít DN tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật, giới thiệu việc làm, xúc tiến thương mại... cho các DN. Các dịch vụ liên quan đến tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác hợp tác đầu tư, kinh doanh mà tỉnh đang triển khai chưa đáp ứng được nhu cầu của DN và phần lớn đơn vị tự thực hiện.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Bà Lê Thị Quỳnh Trang-Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Navifarm (huyện Ia Pa) cho hay: “Chúng tôi phải mất thời gian gần 1 năm để triển khai các thủ tục đầu tư. Thời gian là vàng đối với DN nên chúng tôi rất mong được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ, hỗ trợ tư vấn để quy trình hoàn thành các thủ tục đầu tư được nhanh chóng hơn”.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư: “Một số sở, ngành còn chưa tích cực, chủ động trong công tác phối hợp hỗ trợ DN. Trong khi đó, các cơ quan chủ trì còn lúng túng, chưa nắm cụ thể số lượng DN tư nhân để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DN này. Cùng với đó, các DN thì thiếu nguồn lực để thu thập những thông tin về các dịch vụ kinh doanh đang có trên thị trường và trả phí cho các dịch vụ được cung cấp, đặc biệt là đối với các DN nhỏ”.
Trong tổng số hơn 7.700 DN trên địa bàn tỉnh thì có tới 98% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Điều này đòi hỏi việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ một cách thường xuyên, có chất lượng sẽ tạo điều kiện cho DN hoạt động hiệu quả hơn. Song cũng không thể không nhắc tới một nguyên nhân khiến chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN giảm điểm là sự thiếu chủ động phối hợp với các sở, ngành trong thực hiện một số dịch vụ liên quan đến việc tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác, tư vấn pháp luật của DN. Mặt khác, nhiều DN chưa nắm bắt thông tin đầy đủ về các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ nên tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ hỗ trợ này thấp, kéo theo việc đánh giá chỉ số chưa chính xác. Và một thực tế là hàng năm, trên địa bàn tỉnh, các diễn đàn, đối thoại DN còn hạn chế về số lượng, quy mô nên DN cũng ít có cơ hội để tiếp cận với những thông tin mình cần. 
Đào tạo lao động chưa đạt yêu cầu
Đào tạo lao động là chỉ số có ý nghĩa đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ DN chủ động nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, chỉ số đào tạo lao động của Gia Lai “đội sổ” với 5,13 điểm. 
Theo bảng xếp hạng sau khi khảo sát của VCCI tại Đà Nẵng, chỉ có 35% DN trên địa bàn tỉnh hài lòng với chất lượng đào tạo nghề; 26% DN sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh; 47% DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động chỉ có 7%... Nhiều DN cho biết có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông. Tuy nhiên, muốn tuyển dụng lao động lành nghề, có kỹ năng cao là điều không dễ.
Ông Đinh Anh Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH sản xuất-thương mại Tấn Phát (TP. Pleiku) cho biết: “Doanh nghiệp chuyên sản xuất bàn ghế và các sản phẩm đồ gỗ. Công nhân được tuyển vào hầu hết đều phải hướng dẫn, đào tạo tay nghề. Còn lao động qua đào tạo thì hầu như không có sẵn”. Còn ông Phạm Tiến Huy-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tổ chức (Công ty Điện lực Gia Lai) thì cho hay: “Để đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành lưới điện ngày càng mở rộng, hàng năm, Công ty được phân bổ chỉ tiêu để tuyển dụng công nhân ngành điện. Riêng năm 2021, phải qua 5 lần tuyển dụng, Công ty mới tuyển đủ số lượng công nhân. Về tay nghề, sau khi tuyển dụng, số công nhân này vẫn phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc của Công ty”.
Để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, Gia Lai tăng cường cải thiện chỉ số PCI. Ảnh: Hà Duy
Để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến đầu tư, tỉnh Gia Lai đang tăng cường cải thiện chỉ số PCI. Ảnh: Hà Duy
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo gần 70.000 người. Điều đó chứng tỏ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Chỉ số đào tạo lao động giảm phần nào cho thấy hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN chưa thực sự đi vào chiều sâu. Hiện nay, số DN thành lập mới bình quân hàng năm tăng khoảng 20%, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động qua đào tạo cũng tăng theo. Song thực tế cho thấy, lực lượng lao động lành nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có chiến lược dài hơi trong công tác đào tạo nghề.
----------------------------------------------------
Kỳ cuối: Giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.