(GLO)- Sáng 16-4, tại Trung tâm báo chí TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo công bố Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022), đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với một số điểm cầu tại Nhật Bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo có lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh cùng hơn gần 100 nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Nhiều sự kiện quan trọng
Phát biểu khai mạc họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã giới thiệu đến khách mời, các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và cơ quan báo chí nước ngoài tổng quan về vị trí địa lý, dân số, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh Gia Lai triển khai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của tỉnh được tổ chức từ ngày 19-5 đến hết ngày 25-5-2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hà Duy |
Theo đó, lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh được tổ chức vào đêm 21-5 tại trung tâm TP. Pleiku. Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên” diễn ra vào ngày 21-5 tại trung tâm TP. Pleiku với chủ đề "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai". Đây là hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng; tạo điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra ngày 21-5 tại trung tâm TP. Pleiku sẽ thông báo các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp; ký kết và trao các giấy chứng nhận đầu tư.
Cũng trong khuôn khổ tuần lễ là Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022” diễn ra trong 2 ngày 22 và 23-5 với chuỗi hoạt động đa dạng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng. Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 được tổ chức từ ngày 20-5 đến hết ngày 24-5 tại trung tâm TP. Pleku. Đây là hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia do tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Công thương tổ chức. Hội chợ triển lãm sẽ được tổ chức quy mô lớn gồm 250 gian hàng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Nhật Bản, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, Di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá.
Tăng cường kết nối thông tin
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn dành được nhiều sự thu hút, quan tâm cũng như trao đổi 2 chiều giữa tỉnh Gia Lai và các cơ quan báo chí. Chúng tôi cũng mong muốn, buổi họp báo sẽ là một kênh để kết nối tỉnh Gia Lai với TP. Hồ Chí Minh với quý các cơ quan báo chí trên toàn quốc; qua đó không chỉ những sự kiện diễn ra trong tuần lễ 90 năm Ngày thành lập tỉnh mà những định hướng thu hút đầu tư, phát triển du lịch cũng như các lĩnh vực khác mà tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai sẽ được quảng bá rộng rãi hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trả lời phỏng vấn các nhà báo, phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Hà Duy |
Với gợi ý, định hướng đó, buổi họp báo đã nhận được khá nhiều câu hỏi từ các nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Nhà báo Văn Sơn (Báo Tiền Phong) đặt câu hỏi: “Gia Lai đã có những tuyến đường kết nối nào để thu hút đầu tư? Hiện trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch khá lớn giữa đời sống người dân khu vực thành thị, nông thôn. Tỉnh Gia Lai làm gì để rút ngắn khoảng cách đó cũng như nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số?”.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế cho biết: “Về cơ sở hạ tầng, Gia Lai có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi để kết nối với bên ngoài theo các hướng Đông, Tây, Bắc, Nam, Đông Nam; theo hướng Bắc-Nam có quốc lộ 14, 14C, theo hướng Đông-Tây có quốc lộ 19 nối Cảng biển Quy Nhơn đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, quốc lộ 25 đi Phú Yên, theo hướng Tây Bắc-Đông Nam có đường Trường Sơn Đông; có Cảng hàng không Pleiku kết nối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh; có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh kết nối với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia)... Đây là những điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và phát triển lâu dài. Liên quan đến việc rút ngắn khoảng cách đời sống giữa khu vực thành thị, nông thôn, nhất là nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; Gia Lai đã đề ra chiến lược để tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, kêu gọi thành lập những khu chế biến, thành lập nhiều hợp tác xã để nâng cao chất lượng nông sản, tạo kết nối để mở rộng đầu ra… Tất cả những điều đó nhằm tạo điều kiện để người dân khu vực nông thôn nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung phát triển”.
Nhà báo Đinh Gia Cư (Thời báo Tài chính Việt Nam) có những câu hỏi quan tâm đến chiến lược để thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh Gia Lai. Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung thông tin: Gia Lai là một trong những tỉnh ở khu vực Tây Nguyên có di sản văn hóa, thiên nhiên có đặc trưng riêng, đặc sắc với nhiều điểm đến hấp dẫn như thác K50, làng Stơr… Tỉnh cũng có những định hướng cụ thể trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Hiện tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch để nâng cao đời sống người dân bản địa, giảm chênh lệch đời sống người dân các khu vực. 2 năm qua, Gia Lai vẫn tổ chức những đoàn khảo sát về du lịch để tạo những tour ban đầu để “kéo khách” đến với tỉnh và đã đón nhiều đoàn du lịch từ các địa phương khác về.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thông tin thêm, giữa Gia Lai với TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều hoạt động kết nối du lịch. Đơn cử, tại ngày hội du lịch của TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai đã tích cực tham gia và đưa nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cùng tham gia, qua đó đã giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: cơm lam gà nướng, bò khô, bò một nắng, mật ong rừng, các sản phẩm OCOP… “Chúng tôi cũng đã có những cuộc làm việc với các doanh nghiệp lữ hành lớn của TP. Hồ Chí Minh để quảng bá các sản phẩm du lịch của Gia Lai như cồng chiêng, múa xoang…”-ông Trần Ngọc Nhung nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế thông tin về công tác thu hút đầu tư tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy |
Buổi họp báo đã nhận được câu hỏi từ ông Phan Hiếu-Giám đốc Công ty Akira Japan-một doanh nghiệp của Việt Nam tại Nhật Bản, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, xuất-nhập khẩu: “Tại Nhật Bản hiện có hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động. Riêng chúng tôi muốn tìm hiểu thế mạnh nông sản Gia Lai như cà phê, mật ong… Chúng tôi nên tìm hiểu qua kênh nào? Chúng tôi cũng có nhu cầu tìm hiểu về sản vật mật ong Gia Lai, muốn trở thành đơn vị thu mua và chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản về để xây dựng thương hiệu mật ong Gia Lai. Vậy chúng tôi sẽ nhận được ưu đãi gì?”.
Trả lời ông Phan Hiếu, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho hay: “Tất cả những thông tin liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư đều có trên website của các sở, ngành cũng như UBND tỉnh. Gia Lai hiện đang có nhiều doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu nông sản, nhất là cà phê, chè… Riêng mật ong đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là Phương Di và Phước Hỷ. Sở Công thương luôn sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương. Riêng tại tuần lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh sắp tới, hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 sẽ có 40 gian hàng dành riêng cho Nhật Bản”.
Buổi họp báo cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển thể thao, trồng rừng, du lịch mạo hiểm…; đề nghị thành lập trung tâm hỗ trợ báo chí cho các nhà báo, phóng viên đến tác nghiệp tại tỉnh trong thời điểm diễn ra Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh.
Kết luận buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: “Chúng ta đã có một buổi họp báo cởi mở, thân tình và nhận được nhiều quan tâm của các nhà báo, phóng viên đối với tỉnh Gia Lai. Chúng tôi xác định 4 nhóm vấn đề trọng tâm của tỉnh là: xây dựng nông nghiệp bền vững gắn với phát triển rừng; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, kêu gọi nguồn ngoài ngân sách nhà nước để tiếp tục đầu tư, xây dựng các vùng kinh tế; phát huy các giá trị lịch sử gắn với bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc, các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch; xây dựng nguồn nhân lực có trí tuệ… Chúng tôi hy vọng thời gian tới, sự liên kết giữa Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nữa với sự hỗ trợ quảng bá của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đang có mặt tại buổi họp báo này”.
HÀ DUY