Chiến thắng Plei Me: Chiến dịch đầu tiên thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-11-1965, sau hơn 1 tháng chiến đấu chủ động, liên tục tiến công bằng chiến thuật “vây đồn đánh viện”, bộ đội chủ lực ta với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân du kích đã tiêu diệt gần hết và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ. Đây là chiến dịch đầu tiên thắng Mỹ của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Plei Me càng củng cố thêm niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ của đồng bào miền Nam.

Ngày 20-7-1965, khi quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Nhân dân chống Mỹ, cứu nước: “Đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Cuối tháng 7-1965, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cử Thiếu tướng Chu Huy Mân-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy V, Chính ủy Quân khu 5 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên.

Bia di tích lịch sử đặt tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lừng lững như một “gạch nối” huyền thoại giữa quá khứ và tương lai. Ảnh: Lam Nguyên
Bia di tích lịch sử đặt tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lừng lững như một “gạch nối” huyền thoại giữa quá khứ và tương lai. Ảnh: Lam Nguyên


Đầu tháng 10-1965, Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm và kế hoạch Chiến dịch Plei Me. Giữa tháng 10-1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tập hợp lực lượng mở Chiến dịch Plei Me. Ý định chiến dịch của ta là: “Vây điểm đánh viện. Trước diệt ngụy, sau diệt Mỹ. Kéo quân Mỹ ra xa căn cứ, đưa chúng đi vào các vùng rừng núi để tiêu diệt”.

Plei Me là một trung tâm huấn luyện biệt kích nằm trên địa bàn Khu 5 (huyện Chư Prông ngày nay), cách Pleiku khoảng 30 km về phía Tây Nam. Đây là mắt xích quan trọng trong dải phòng ngự phía Tây-Tây Nam thị xã Pleiku và Tây Nam căn cứ Quân đoàn 2 của địch. Theo kế hoạch của ta, phạm vi địa bàn của chiến dịch không chỉ là trung tâm huấn luyện biệt kích Plei Me mà diễn ra trên địa bàn rộng lớn trong tứ giác: Plei Me-Bàu Cạn-Đức Cơ-Ia Đrăng trong không gian rộng khoảng 1.200 km2. Khu vực quyết chiến với quân Mỹ được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định là thung lũng Ia Đrăng dưới chân đỉnh Chư Prông.

Đêm 19-10-1965, Chiến dịch Plei Me mở màn. Các đơn vị bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực làm nhiệm vụ nghi binh lừa địch nổ súng uy hiếp cứ điểm Đức Cơ, tiến công đồn Tân Lạc. Tưởng ta tấn công Đức Cơ, Tân Lạc, địch huy động máy bay thả pháo sáng bắn phá xung quanh 2 căn cứ này. Lúc này, Trung đoàn 33 vẫn bí mật, khẩn trương củng cố công sự vây ép cứ điểm Plei Me.

22 giờ 55 phút ngày 19-10, các chiến sĩ Đại đội 3 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 33) nổ súng tấn công Chư Ho, tiền đồn bảo vệ trại biệt kích Plei Me. 400 tên biệt kích ngụy cùng 12 cố vấn Mỹ bị giam hãm chặt trong chiến hào bao vây của ta. Quân Mỹ ráo riết phản kích. Sau 5 ngày dội bom đánh phá, không phá vỡ được vòng vây của bộ đội ta, bọn chỉ huy địch ở biệt khu 24 phải cho quân giải tỏa.

Về phía ta, từ ngày 15-10, Trung đoàn 320 đã hành quân chiếm lĩnh trận địa, trú quân chờ địch, các đơn vị bí mật đào công sự, ngụy trang, chuẩn bị đường vận động xuất kích và giao nhiệm vụ cụ thể đến các tiểu đội, trung đội. Đến 16 giờ 30 phút ngày 23-10, sau những trận bom pháo dọn đường, lực lượng giải vây của địch đã lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 320. Ngay từ những phút đầu, Trung đoàn 320 đã loại khỏi vòng chiến đấu một nửa số xe tăng, xe bọc thép của địch. Sau 10 giờ chiến đấu, đến 2 giờ sáng ngày 24-10, Trung đoàn 320 đã hoàn toàn làm chủ trận địa, ta tiêu diệt Chiến đoàn 3 thiết giáp và 1 tiểu đoàn, 1 đại đội bộ binh địch.

Ngày 24-10, Mỹ cho 2 tiểu đoàn kỵ binh không vận số 1 từ An Khê lên Pleiku và thúc quân ngụy tiếp tục chi viện, giải vây cho Plei Me. 10 giờ ngày 26-10, dưới sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 42 ngụy) được cơ giới yểm trợ đến giải vây Plei Me. Xét thấy đã đủ gây cho địch phản ứng dây chuyền, ngày 26-10, ta quyết định mở vây căn cứ Plei Me, chuyển toàn bộ Trung đoàn 33 và 320 về Đông Nam sông Ia Đrăng sẵn sàng chờ đánh quân Mỹ đổ bộ.

Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11-1965, chiến trường Plei Me hết sức sôi động, khẩn trương. Hoạt động cơ bản của ta là di chuyển quân để bố trí theo kế hoạch mới. Ngày 14-11, các cánh quân địch vừa đổ bộ xuống Chư Prông đã bị Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) chặn đánh tiêu diệt 1 đại đội. Hôm sau, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) chặn đánh tiêu diệt đại đội thứ hai. Bị đánh đau, Mỹ phải dùng 100 lượt B52 ném bom rải thảm dọc thung lũng Ia Đrăng. Vượt qua bom pháo, bộ đội ta đã truy kích sát gót địch. Không dám cụm lại chờ máy bay lên thẳng đến cứu, địch lợi dụng đêm tối chạy bộ hòng thoát khỏi Ia Đrăng. Ngày 17-11, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) gặp địch và nổ súng công kích. Nghe tiếng súng, Tiểu đoàn 33 di chuyển nhanh đến phối hợp. Ta và địch giành nhau từng gốc cây, khóm rừng. Sau 4 ngày đêm chạm trán quyết liệt, Tiểu đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ chỉ còn một số tên sống sót chạy về đến căn cứ. Trận đánh ngày 17-11 đánh dấu sự thất bại hoàn toàn trong ý đồ chiến dịch của những người chỉ huy quân đội Mỹ.

Diệt xong Tiểu đoàn 1 của Mỹ, bộ đội ta chuyển sang vây đánh Tiểu đoàn 2 không vận tại phía Nam Ia Đrăng. Mỹ buộc phải ra lệnh cho quân ngụy đến ứng cứu, giải vây. Ngày 18-11, hai chiến đoàn dù số 1 và 2 của ngụy đổ quân xuống Ia Pơman, Ia Lâu và rơi vào thế trận của Trung đoàn 320. Không dám kéo dài chiến trận hơn nữa, ngày 19-11, toàn bộ quân Mỹ rút khỏi thung lũng Ia Đrăng. Tuy vậy, chiến dịch vẫn còn tiếp diễn đến ngày 26-11 với sự tham chiến của quân ngụy.

Trong hơn 1 tháng chiến đấu, chủ động, liên tục tiến công bằng chiến thuật “vây đồn đánh viện”, bộ đội chủ lực ta với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân du kích đã tiêu diệt gần hết và đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ, tiêu diệt một chiến đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp quân đội Sài Gòn, bắn rơi và phá hỏng 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự... Phía Mỹ thừa nhận, tại thung lũng Ia Đrăng, có 824 lính kỵ binh không vận Mỹ chết và bị thương, trong đó có hơn 300 binh sĩ tử trận.

Chiến thắng Plei Me đã chứng minh rằng quân ta có thể tiêu diệt tiểu đoàn lính Mỹ; phá chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng, đánh bại những đơn vị tinh nhuệ, trang bị hiện đại nhất của Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Chiến thắng Plei Me càng củng cố thêm niềm tin vào khả năng đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ của đồng bào miền Nam. Chiến thắng Plei Me đã làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới. Chiến thắng Plei Me không chỉ có ý nghĩa đối với chiến trường Tây Nguyên mà còn mở đầu cho giai đoạn đánh đòn tiêu diệt phủ đầu vào mưu đồ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

 

TỐNG THỚI MỐC