"Điện Biên Phủ" ở Liên khu 5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta vẫn còn tiếp diễn. Ở Gia Lai, quân Pháp rút khỏi các đồn nhỏ lẻ co cụm lực lượng về các thị xã, thị trấn, hình thành từng khu vực phòng ngự như An Khê, Pleiku. Ngày 24-6-1954, Trung đoàn 96 của ta là lực lượng chủ công chính thức xóa sổ Binh đoàn cơ động 100 của thực dân Pháp trong trận phục kích tại Đak Pơ, làm nên chiến thắng lẫy lừng được ví như “Điện Biên Phủ” ở Liên khu 5.
Quán triệt tinh thần chủ động tiến công địch, phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 và 2 đại đội của Trung đoàn 120 cùng bộ đội địa phương An Khê, Đak Bớt, Tân An đánh địch trên đường 19 đoạn Pleiku-An Khê, đồng thời sẵn sàng chặn đánh khi chúng tháo chạy khỏi An Khê về Pleiku.
Vào lúc 21 giờ ngày 22-6-1954, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 điện cho biết tin địch sắp rút khỏi An Khê và lệnh cho Trung đoàn 96 phải phục kích đánh địch rút lui. Nhận được lệnh, Trung đoàn 96 bàn ngay kế hoạch phục kích địch trên đường 19 đoạn Đak Pơ.
Đoạn cầu Đak Pơ được chọn là trung tâm của địa đoạn phục kích. Về phía Đông là đoạn phục kích chủ yếu, dài khoảng 800 mét, do Tiểu đoàn 79 đảm nhận. Đoạn phía Tây cầu Đak Pơ do Tiểu đoàn 40 đảm nhận. Cả 2 đơn vị phục kích đều có bộ phận đối diện. Hỏa lực của Trung đoàn là Đại đội cối 81 mm bắn chi viện cho cả hai đơn vị phục kích ở phía Đông và phía Tây cầu Đak Pơ. Trung đoàn 96 lấy một đại đội của Tiểu đoàn 40 làm dự bị. Có một đại đội độc lập của Trung đoàn 120 được bố trí đánh địch trên đoạn đường An Khê-Cà Tung để phá cầu cống, đánh chặn để kìm chế sức cơ động của địch.
Ở 2 đầu trận địa, có các đài quan sát phát hiện địch từ xa. Nhờ các đài quan sát này mà Trung đoàn 96 nắm được hoạt động của địch khá chính xác. Hệ thống thông tin liên lạc được bố trí chu đáo: giữa Trung đoàn và Bộ Tư lệnh chiến dịch bằng vô tuyến điện; giữa Trung đoàn với các tiểu đoàn qua đài quan sát và cả với bộ phận đối diện bằng điện thoại.
Những chiến sĩ Đak Pơ vô cùng tự hào khi đọc lại thư khen của Bác. Ảnh: T.H
Ngay sau chiến thắng Đak Pơ, cán bộ và chiến sĩ Liên khu 5 đã được Bác Hồ gửi thư khen, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội. Năm 2014, về thăm Di tích lịch sử chiến thắng Đak Pơ, những người lính năm xưa vô cùng tự hào khi đọc lại thư khen của Bác  Ảnh: T.H
Tại An Khê, từ ngày 23-6-1954, quân địch dùng máy bay di tản 300 gia đình, phần lớn là gia đình binh sĩ, công chức, người Hoa. Ngày 23-6, trinh sát ta phát hiện Binh đoàn ứng chiến cơ động 42 của địch từ Pleiku duỗi ra chốt giữ các điểm cao, khống chế các ngã ba đường 19 đến đèo Mang Yang. Quân địch ở An Khê phá hủy một số công sự. Ngay trong đêm đó, kế hoạch đánh địch rút lui được triển khai.
Lực lượng rút lui của địch gồm Binh đoàn cơ động 100, Tiểu đoàn khinh quân ngụy số 520, Tiểu đoàn pháo 105 mm cùng một số đơn vị địa phương quân. Ngoài ra, còn có lực lượng của Binh đoàn cơ động 42. Về phía ta, Trung đoàn 96 tiêu diệt địch rút chạy chỉ có 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn trợ chiến, 2 đại đội của Trung đoàn 120 và bộ đội địa phương đặc khu Tân An, An Khê triển khai phối hợp. Tương quan so sánh lực lượng ta chỉ bằng một nửa đối phương. Vấn đề đặt ra là đánh tiêu diệt toàn bộ đoàn quân rút lui hay chỉ đánh cắt khúc đuôi, diệt 1-2 tiểu đoàn đi sau cùng. Sau khi thảo luận, Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 96 quyết định đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch. Cùng lúc đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu nhận được điện hỏa tốc của Liên khu: “Kiên quyết đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy”.
8 giờ sáng 24-6, các đơn vị của Trung đoàn 96 đã chiếm lĩnh xong trận địa, các đài quan sát đã báo cáo về sở chỉ huy. Đài quan sát hướng Đak Pơ báo cáo có nhiều tiếng xe chạy lên, dọc đường 19, máy bay trinh sát của địch lượn vòng quan sát. Đến 10 giờ, Tiểu đoàn 79 nhận được thông báo địch ở An Khê đã ra đến Cà Tung, chúng tập trung dọc đường cái vào cả trong cứ điểm và lần lượt những chiếc xe khác đang chạy đến.
Đến 13 giờ, toàn bộ lực lượng địch lọt vào trận địa phục kích trên đoạn đường dài 3 km từ Cà Tung đến Đak Pơ. Bộ đội nổ súng tiến công. Tiếng súng của bộ phận chặn đầu vang lên. Cối 82 mm của Trung đoàn và ĐKZ của các tiểu đoàn nhắm thẳng các cụm xe địch đang xô đẩy nhau dưới mặt đường để tránh đạn, có một vài xe vận tải bốc cháy. Đến 13 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 79 xuất kích gặp ngay đoạn giữa của đoàn vận chuyển địch, đánh trúng ngay tiểu đoàn đi đầu của Binh đoàn 100, có cả Sở chỉ huy và Đại tá Barrou chỉ huy. Địch chống cự quyết liệt. Dựa vào xe tăng, thiết giáp, chúng chặn các mũi xung kích của ta từ phía Bắc đánh xuống. Các tiểu đội, trung đội vẫn bám địch, theo từng khu vực chia nhỏ chúng để tiêu diệt. Địch vẫn chống trả khá mạnh, nhưng bị động và lúng túng, nhất là khi Đại đội 224 bắt được Đại tá Barrou. Đến 18 giờ cùng ngày, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Trận đánh tiếp diễn ác liệt, kéo dài qua đêm và đến trưa ngày 25-6 mới kết thúc. Nhân dân và dân quân du kích các xã hai bên đường 19 phối hợp cùng bộ đội truy bắt tàn quân địch.
Kết quả trận đánh, ta đã xóa tên cả một binh đoàn cơ động của địch thuộc loại mạnh nhất từ chiến trường Triều Tiên mới điều sang cùng với lực lượng chiếm đóng tại An Khê. Trên 700 lính Âu-Phi bị tiêu diệt và bị thương, gần 1.200 tên khác, trong đó có Đại tá Barrou cùng toàn bộ Bộ tham mưu Binh đoàn 100 bị bắt, 229 xe cơ giới còn nguyên vẹn hoặc hư hỏng ít, có 1 xe tăng 28 tấn còn nguyên, 18 pháo 105 mm, trên 1.000 súng các loại và mấy chục tấn đạn dược bị ta thu và phá hủy. Thừa thắng, bộ đội ta phát triển tiến công diệt một bộ phận của Binh đoàn 42, giải phóng thị trấn An Khê, quét sạch địch trên đường 19, triển khai tiến công thị xã Pleiku và bao vây Cheo Reo. Một vùng rộng lớn từ An Khê, Đak Bớt đến vùng Tây đường 14, Pleikli được hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng Đak Pơ là bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Tây Nguyên và Gia Lai nói riêng, dám đánh, quyết đánh thắng thực dân Pháp. Chiến thắng Đak Pơ là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, quân và dân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đoàn kết phối hợp chặt chẽ. Đây được coi là trận giao thông chiến lớn nhất và hiệu quả cao nhất của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi Đak Pơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần cùng cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp định Genève 1954.
TỐNG THỚI MỐC