Gia Lai: Dùng nước thải từ nhà máy làm… phân bón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không tiến hành xử lý, Nhà máy đã xả trực tiếp nước thải thô sau quá trình chế biến ra môi trường theo yêu cầu của… người nông dân. Hành vi này không chỉ gây hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn mang theo mối lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Nước thải từ nhà máy có mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Văn Ngọc
Nước thải từ nhà máy có mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Văn Ngọc

Thời gian vừa qua, một số hộ dân tại thôn 1, làng Đal thuộc xã Biển Hồ và thôn 3 thuộc xã Trà Đa, TP. Pleiku đã phản ánh việc một nhà máy tại Khu công nghiệp Trà Đa xả nước thải ra môi trường gây mùi hôi thối. Qua tìm hiểu của P.V, đây là nước thải của nhà máy chế biến tiêu thuộc Công ty TNHH Chí Thành Long tại lô B7, Khu Công nghiệp Trà Đa. Một số người dân ở khu vực nêu trên đã xin chất thải từ nhà máy này để đổ vào vườn cây làm phân bón cho cây trồng.

Tại vườn rẫy nhà anh Ksor Nhe, tại khu vực làng Đal, xã Biển Hồ, P.V phát hiện có hai hố nước thải, mỗi hố có diện tích từ 200-300 m2, độ sâu khoảng 0,5-1 mét chứa đầy nước thải từ nhà máy. Hai hố nước này cách nhà máy chừng hơn 2 km và nằm sát cánh đồng lúa, gần khu vực giọt nước đầu nguồn của cánh đồng này. Anh Ksor Nhe (trú tại làng Đal) cho biết, từ năm 2016, nghe tin từ một số người trong làng làm công nhân tại nhà máy của Công ty Chí Thành Long nói rằng, nước thải ở đây làm phân bón cho cây rất tốt. Nhiều người đã dùng loại nước thải này làm phân bón rất tốt cho cây nên anh Nhe cũng đã xin vài xe đổ vào vườn cỏ voi nhà mình. Tuy vậy, khu vực đổ ở gần làng, mùi hôi thối bốc lên, dân làng không chịu được nên năm nay anh đào hố rồi xin đổ chất thải tại khu vực rẫy để bón cho lúa, cà phê.

“Không biết có chất gì trong đó, nhưng thấy đổ vào cỏ thì cỏ cũng tốt hơn, lại nghe người ta bảo tốt nên tôi nói họ đổ vô rẫy nhà mình. Họ đổ miễn phí mà có lấy tiền đâu. Không biết nó có độc hại gì không, chỉ thấy mùi hôi thối quá, nhưng gắng chịu một thời gian, sau nó khô lại rồi cũng đỡ hôi thối thì lúc đó mới mang bón cho cây”-anh Ksor Nhe cho hay. Cũng theo anh Nhe, mỗi ngày, công ty chở từ 2-3 loại xe máy cày, chở theo một thùng loại thùng container có lắp đường ổng dẫn. Khi đến điểm xa chỉ cần mở van là nước thải đổ ra. Hai hố nước thải tại khu vực rẫy nhà anh Ksor Nhe được công ty đổ trong vòng nửa tháng mà không mất một khoản chi phí nào. Chỉ cần một cơn mưa lớn, nước thải sẽ tràn bờ để hòa vào với dòng nước tự nhiên.

Theo ghi nhận của P.V, nước thải từ nhà máy thải ra môi trường có màu đen sẫm, lỏng quánh và sệt giống nhựa đường. Đặc biệt có mùi hôi thối chua nồng rất khó chịu. Anh Ksor Nêk (trú tại thôn 1, xã Biển Hồ) bức xúc: “Nhà mình cách chỗ nhà máy xả nước thải hơn 1km mà mỗi khi gió thổi là hôi thối nồng nặc không chịu được. Tội nhất là lũ trẻ nhỏ, ngửi mùi này một lúc thôi là cũng bị đau đầu. Khi trước nhà máy có đổ một lần ở khu vực nhà mả, trên đầu nguồn giọt nước ăn rồi, sau đó dân làng sợ nó theo dòng nước xuống nên không cho đổ nữa. Không biết nó có tốt thật không chứ cứ đổ ra ngoài thế này người dân không được đâu”. Không chỉ đổ thành từng hố nước dạng lỏng, ở hàng chục điểm P.V phát hiện được, nước thải đổ tràn lan ra bề mặt với diện tích lớn. Nắng lên, nước thải đặc lại thành dạng bột nhưng vẫn bốc mùi khó chịu.    

Trong vai một người nông dân đến xin nước thải để làm phân bón, chúng tôi đến liên hệ tại nhà máy thì được nhân viên bảo vệ cho số điện thoại của một người phụ trách công việc này. Trao đổi với người này, anh ta quả quyết: “Đây là nước thải sau khi chế biến hạt tiêu, không dùng hóa chất nên không có độc hại gì đâu mà lo. Nhiều người họ cũng xin đổ cái này để làm phân bón rồi, tốt lắm”. Cũng theo người này, chỉ cần nông dân yêu cầu, họ có thể đổ nước thải bất cứ lúc nào và hoàn toàn miễn phí?!

Cảnh sát môi trường vào cuộc

Liên quan đến vụ việc, P.V đã liên hệ với Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh. Ngay sau đó đơn vị này đã chỉ đạo một tổ công tác để phối hợp với P.V đến hiện trường ghi nhận việc xả thải và lấy mẫu chất thải này về kiểm tra. Theo tổ công tác, việc Công ty TNHH Chí Thành Long xả thải trực tiếp ra môi trường là vi phạm về quy định xử lý rác thải. Sáng 20-8, trao đổi với P.V, Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát môi trường cho biết: “Hiện, đơn vị đã xác minh làm rõ Công ty đổ chất thải này ra ngoài. Tuy nhiên, để xác minh chất này có độc hại hay không thì phải đưa đi giám định. Trong vụ việc này, cái khó là người dân tự ý xin chứ không phải Công ty tự ý đổ chất thải. Hiện chúng tôi đang tiếp tục làm rõ vụ việc trên”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.