(GLO)- Gia Lai được đánh giá là tỉnh năng động, sáng tạo, chủ động và luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi có một sự đổi mới trong hoạt động để đem lại những kết quả tốt hơn.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho tới thời điểm này, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương cho 48 dự án với tổng vốn đăng ký gần 43.300 tỷ đồng; 70 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, bổ sung vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020-2021; 53 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để được UBND tỉnh cho chủ trương. Ngoài sự hấp dẫn từ tiềm năng, thế mạnh vốn có thì những kết quả trên thể hiện sự cố gắng của lãnh đạo tỉnh, cùng những người làm công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua.
|
Chương trình tọa đàm kết nối đầu tư vào Gia Lai năm 2020 được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hà Duy |
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Thời gian qua, bên cạnh các hoạt động mang tính thường xuyên như tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, đối thoại với doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thì chúng tôi chú trọng mở rộng thêm nhiều hoạt động khác. Đó là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến đầu tư trung ương, cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để quảng bá, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Qua đó, các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài biết đến Gia Lai rộng rãi hơn, số lượng đối tác, doanh nghiệp nước ngoài đến tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, với chương trình “Truyền thông toàn diện tỉnh Gia Lai năm 2020” tuyên truyền về công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh do Báo Gia Lai và Báo Đầu tư thực hiện cũng đem lại hiệu quả nhất định”.
Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn những “rào cản” đối với các nhà đầu tư. Đó là sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư khiến quy trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn phức tạp, gây nản lòng không ít nhà đầu tư. Thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư kể từ khi tỉnh chấp thuận cho khảo sát dự án đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn dài. Đặc biệt, cho tới thời điểm này, tỉnh vẫn chưa xây dựng được “bản đồ” các dự án đầu tư.
Ông Trần Đăng Nam-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dolphin Sea Air Services Corp-cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế hàng hóa bằng đường biển, hàng không, đường bộ xuyên biên giới và các dịch vụ logistics khác. Qua tìm hiểu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tôi cho rằng trong tương lai, xuất khẩu nông sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản tại Gia Lai sẽ phát triển mạnh. Đây cũng là cơ hội để đầu tư vào Gia Lai nên tôi cần những thông tin liên quan tới chính sách ưu đãi, nhất là những chính sách ưu đãi riêng của tỉnh. Tuy vậy, những chính sách riêng đó tôi thấy chưa được giới thiệu rõ nét”.
Ông Hồ Phước Thành cho biết thêm: Tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách về quy trình, thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 phù hợp với điều kiện, tình hình của tỉnh. Đồng thời, Sở cũng sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hướng nhà đầu tư quan tâm thì sẽ tổ chức triển khai thực hiện ngay, rút ngắn thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng.
“Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh đa dạng hóa hình thức xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm quảng bá và kêu gọi đầu tư các danh mục dự án đã được phê duyệt. Cùng với đó là tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm trong nước và nước ngoài để quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
HÀ DUY