Gia Lai đề xuất tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sáng 16-5, tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương làm tổ trưởng có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tham gia tổ công tác có các ông, bà: Cao Mạnh Linh-đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp; Rơ Châm H’Phik-đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh; Sa Văn Khiêm-Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội).

Làm việc với tổ công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp và đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và PTNT; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng Ban Dân tộc tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trường Cao đẳng Gia Lai.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên nêu khái quát về mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh có 120 xã trở lên và 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2022-2025, hàng năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo và 3% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có 102 thôn, 21 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 hơn 3.838 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 hơn 3.585 tỷ đồng; kế hoạch vốn đầu tư phát triển (bổ sung) giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh hơn 253 tỷ đồng.

Về kết quả phân bổ và giải ngân vốn, năm 2022: Tổng vốn ngân sách nhà nước hơn 1.330 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương trên 980 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 350 tỷ đồng), cụ thể vốn đầu tư phát triển trên 784 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 546 tỷ đồng. Đến ngày 11-5-2023, tổng vốn đầu tư phát triển đã giải ngân trên 411 tỷ đồng (đạt 58,48% kế hoạch giao), trong đó giải ngân theo niên độ ngân sách 2022 (tính đến ngày 31-1-2023) gần 377 tỷ đồng (đạt 53,53% kế hoạch giao), giải ngân vốn kéo dài sang năm 2023 gần 35 tỷ đồng.

Tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2023 hơn 1.690 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương gần 1.461 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 229 tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư phát triển trên 826 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 864 tỷ đồng. Trong quý I-2023 tổng vốn đầu tư phát triển đã giải ngân trên 65 tỷ đồng (đạt 7,88% kế hoạch).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao đổi ý kiến tại buổi làm việc với tổ công tác. Ảnh: Anh Huy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp trao đổi ý kiến tại buổi làm việc với tổ công tác. Ảnh: Anh Huy

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn: Sự đóng góp của người dân còn hạn chế; tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước còn chậm; một số địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới, giai đoạn 2021-2025; xây dựng nông thôn mới thiếu tính bền vững do tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu...

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban ngành của tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, như: Chuyển từ nguồn vốn đầu tư phát triển sang nguồn vốn sự nghiệp đối với định mức hỗ trợ một số nội dung (hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung); xem xét, đề nghị điều chỉnh quy định đối với tiêu chí hợp tác xã tham gia dự án, kế hoạch liên kết có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số; xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với dự án thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đã tiếp thu toàn bộ ý kiến của các thành viên tổ công tác, đồng thời trao đổi thêm một số nội dung. Cụ thể, đối với một số nội dung chưa cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương rà soát, tổng hợp và báo cáo bằng văn bản gửi đến tổ công tác. Riêng một số vướng mắc liên quan đến diện tích tối thiểu tách thửa, các quy định về đất san lấp mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư công,... tỉnh đã giao các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu và sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ.

Quang cảnh buổi làm việc của tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Quang cảnh buổi làm việc của tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội với tỉnh Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh: Qua đi khảo sát thực tế tại một số làng, làm việc với 2 xã, 2 huyện và làm việc với tỉnh, chúng tôi nhận thấy việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại nhiều kết quả. Những kết quả đã đạt được cũng như khó khăn, hạn chế và vướng mắc trong triển khai thực hiện, tổ công tác sẽ ghi nhận và báo cáo đầy đủ với Đoàn giám sát Quốc hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, thời gian tới tỉnh tiếp tục rà soát các văn bản đã ban hành và cập nhập kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng như ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ cơ sở để triển khai thực hiện các chương trình, dự án ngày càng hiệu quả. Rà soát các phần việc đã và đang triển khai, theo đó khó khăn, vướng mắc ở đâu, trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào để từ đó nêu đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện từng chương trình, dự án...

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.
Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

(GLO)- Vào khoảng 13 giờ 20 ngày 18-4, đã xảy ra vụ cháy nhà người dân tại tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Công an TP. Pleiku phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) nhanh chóng vào cuộc dập tắt đám cháy.