Gia Lai chủ động nguồn hàng phục vụ Tết Nhâm Dần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo phục vụ người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp phối hợp với đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường.

Hàng hóa dồi dào

Là đơn vị đầu mối lớn trên địa bàn, Công ty cổ phần thương mại Gia Lai (Comexim Gia Lai) đã có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu với giá trị hơn 91,7 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ông Trịnh Xuân Vỹ-Giám đốc kinh doanh Công ty-cho biết: “Ngoài việc chủ động nguồn hàng, Công ty còn tăng cường nhân lực bán hàng cũng như phương tiện vận tải thực hiện xuyên suốt từ nay đến những ngày giáp Tết, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Hiện nay, Công ty có 40 đầu xe phục vụ bán hàng lưu động bao phủ khắp các địa bàn trong tỉnh”.

Các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị đã đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị đã đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo


Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị-cho hay: Năm nay, Siêu thị lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết khoảng 100 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu và các loại hàng đặc trưng Tết. “Công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được tăng cường, tập trung vào nhóm mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Siêu thị thực hiện chuỗi chương trình giảm giá lớn cho hàng ngàn sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng cũng như hỗ trợ khách hàng mua sắm tiết kiệm”-bà Thy nói.

Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa cho 2 tháng trước, trong và sau Tết. Theo đó, tổng trị giá hàng hóa dự trữ khoảng 16.150 tỷ đồng (tăng 20% so với mức bình quân các tháng trong năm). Riêng tháng 1-2022, dự báo nhu cầu mua sắm tăng khoảng 30% nên lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ đạt khoảng 9.100 tỷ đồng. Với kế hoạch này, lượng hàng hóa phục vụ Tết sẽ gồm: 9,1 ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm; 6,2 ngàn tấn cá tươi các loại; 19 ngàn tấn rau củ quả; 26 triệu quả trứng gia cầm; 1,2 triệu chai rượu; 17 triệu lít bia; 8 triệu lít nước giải khát; 115 ngàn m3 xăng dầu; cùng nhiều mặt hàng may mặc, giày dép, mũ nón, bánh mứt, hoa Tết các loại…

Đảm bảo cân đối cung cầu

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Việc xây dựng kế hoạch sẽ đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán, gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối lớn có kế hoạch phân bổ nguồn hàng; khai thác tối đa công suất kho hàng dự trữ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm với phương châm không để thiếu hàng, sốt giá; chủ động theo dõi diễn biến của thị trường, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại tích cực phối hợp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân vùng sâu, vùng xa.

 Hàng thực phẩm dự báo sẽ có mức tăng mạnh nhất trong dịp Tết. Ảnh: Vũ Thảo
Hiện các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị cùng các chủ thể kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động nguồn hàng phục vụ Tết. Ảnh: Vũ Thảo


Đến thời điểm này, 43 doanh nghiệp đầu mối, 10 siêu thị cùng các chủ thể kinh doanh thương mại đã chủ động nguồn hàng phục vụ Tết, sẵn sàng can thiệp thị trường, không để hàng hóa bị đẩy giá. Các doanh nghiệp có lượng hàng hóa dự trữ lớn như: Công ty cổ phần thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên 213 tỷ đồng; Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên 169 tỷ đồng; PV oil-Chi nhánh Gia Lai 207 tỷ đồng; Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim 39,2 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại Ngọc Hoa 32,1 tỷ đồng; Siêu thị VinMart 14,4 tỷ đồng; hệ thống VinMart+ 290 tỷ đồng…

Theo ông Phạm Văn Binh, trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp phân bổ thời gian hoặc tăng tần suất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đảm bảo an toàn phòng-chống dịch; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng dẫn người tiêu dùng tham gia mua sắm giao dịch bằng hình thức trực tuyến, giao hàng tận nhà để hạn chế tập trung đông người. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về nông thôn; đồng thời theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa để chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm