Trước 1 ngày phiên HĐXX phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua cổ phần AVG tuyên án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã nộp 66 tỉ đồng tiền mặt tại cơ quan chức năng.
Trưa nay 27-12, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết tính đến thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã khắc phục hậu quả hoàn toàn đối với hành vi nhận hối lộ, bằng cách nộp 66 tỉ đồng tiền mặt tại cơ quan chức năng.
Ngoài số tiền này, ông Nguyễn Bắc Son đang bị kê biên phong tỏa tài khoản tiền mặt hơn 500 triệu đồng và một căn nhà ở phố Lý Nam Đế, quận Ba Đình, Hà Nội
Ông Nguyễn Bắc Son đứng đầu tiên - Ảnh: TTX
Tuy nhiên chiều cùng ngày một thẩm phán xét xử phiên toà cho biết, đến thời điểm hiện tại gia đình của ông Nguyễn Bắc Son mới nộp khắc phục được 50 tỉ đồng.
Trước đó tại phiên toà với tổng hợp 2 tội danh "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ", đại diện VKS đề nghị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son tử hình; Lê Nam Trà: 23-25 năm tù, Trương Minh Tuấn nguyên bộ trưởng TT-TT: 14-16 năm tù và Cao Duy Hải: 14-16 năm tù. Đối với tội danh "Đưa hối lộ", VKS đề nghị phạt bị cáo Phạm Nhật Vũ 3-4 năm tù.
Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Bắc Son từng khai đưa số tiền nhận hối lộ cho bà Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son). Tuy nhiên, bà Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố. Đến nay, cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Huyền.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 17-12, bị cáo Nguyễn Bắc Son phủ nhận việc mình nhận hối lộ 3 triệu USD. Sau đó, ông này đổi lời khai thành có nhận 3 triệu USD nhưng không đưa tiền cho con gái mà sử dụng chi tiêu cá nhân.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng theo điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015, nếu người lãnh án tử hình về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản tham ô, tài sản đã nhận hối lộ sau khi bị kết án thì hình phạt sẽ chuyển từ tử hình xuống chung thân. "Quy định này áp dụng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trước hoặc trong quá trình xét xử, nếu bị can - bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả thì cơ quan pháp luật xem đó là tình tiết giảm nhẹ khi đề nghị mức hình phạt, quyết định mức hình phạt" - luật sư phân tích.
Nguyễn Hưởng (NLĐO)