Ghi nhận từ sân chơi của những tài năng tiếng Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Không chỉ tạo sân chơi bổ ích, cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” còn là cơ hội để các em học sinh phổ thông của tỉnh Gia Lai nâng cao trình độ ngoại ngữ và trang bị cho mình kỹ năng hội nhập quốc tế.

Chiều 25-11, tại Khách sạn Tre Xanh Plaza (TP. Pleiku), cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông toàn tỉnh lần thứ III đã bế mạc. Khởi động từ giữa tháng 10, cuộc thi thu hút sự tham gia của 389 thí sinh bậc tiểu học, THCS và THPT tham gia. Đây cũng là năm có số lượng thí sinh dự thi đông nhất so với 2 lần trước.

Sau vòng cơ sở diễn ra vào ngày 15-10 tại 4 điểm thi, Ban tổ chức đã chọn ra 60 thí sinh xuất sắc (5 thí sinh/bậc học/điểm thi) để bước vào vòng bán kết. Ở vòng thi này, thí sinh bậc tiểu học làm bài thi với định dạng, hình thức và mức độ tương đương bài thi Flyers; thí sinh THCS tương đương với bài thi PET và thí sinh THPT tương đương bài thi IELTS với các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công (bìa phải) trao thưởng cho các thí sinh đạt giải nhất. Ảnh: M.T

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công (bìa phải) trao thưởng cho các thí sinh đạt giải nhất. Ảnh: M.T

Bằng khả năng tiếng Anh của mình, 24 thí sinh xuất sắc nhất (mỗi bậc học có 8 thí sinh) đã vượt qua vòng bán kết để tiếp tục tranh tài ở vòng chung kết. Ở vòng thi cuối cùng này, mỗi thí sinh có 5 phút để thể hiện phần thi tài năng sử dụng tiếng Anh; có thể sử dụng sự hỗ trợ của tối đa 4 thí sinh khác cùng đơn vị dưới hình thức thuyết trình, hoạt cảnh, diễn kịch hoặc lồng tiếng… Tiếp đó, thí sinh bốc thăm tình huống giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống thường ngày và trình bày cách xử lý tình huống đã chọn trong thời gian 2 phút.

Đáng chú ý, bằng hình thức thuyết trình kết hợp sân khấu hóa, lồng tiếng phim hoặc hát tiếng Anh, các thí sinh đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa như: chung tay bảo vệ môi trường và tầng ozon; phòng-chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới; bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; tác hại của việc sử dụng điện thoại, nghiện game online…

Là thí sinh người dân tộc thiểu số duy nhất có mặt ở vòng chung kết, song em Rcom Nay H'Srina (lớp 4A, Trường Tiểu học dân lập Trương Vĩnh Ký, thị trấn Đak Đoa) đã mang đến bất ngờ cho Ban giám khảo và khán giả bởi sự tự tin trên sân khấu cùng phát âm tiếng Anh khá chuẩn, lưu loát. H'Srina chia sẻ: “Tại vòng chung kết, em đã giới thiệu về một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc Jrai, trong đó có đàn trưng. Qua đây, em mong muốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn”.

Chị Rcom H'Sonh-mẹ của H'Srina (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Bé H'Srina có cơ hội được tiếp cận với Anh ngữ từ nhỏ thông qua các thành viên trong gia đình. Tôi là giáo viên Tiếng Anh, ông ngoại H'Srina cũng tự học ngôn ngữ này và thường xuyên giao tiếp với bé. Qua cuộc thi này, tôi thấy con mạnh dạn, tự tin hơn và càng thêm yêu thích học ngoại ngữ. Tôi rất vui vì H'Srina đã vượt lên chính mình và đạt được giải nhì”.

Lựa chọn giới thiệu về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tự đàn hát một đoạn trong ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” bằng tiếng Anh với chất giọng đầy cảm xúc, em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất cuộc thi ở bậc THPT. Khang cho hay, phần thi do chính em lên kịch bản và dàn dựng với sự hỗ trợ của 1 người bạn cùng trường. Khang cũng tự chuyển thể bài hát trên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh và tập đánh đàn piano đệm hát.

“Qua ca khúc này, em muốn tự động viên bản thân và gửi gắm đến mọi người rằng: Dù có gặp khó khăn hay vấp ngã trong cuộc sống, chúng ta cũng đừng nên tuyệt vọng hay bi quan. Chỉ cần có niềm tin và cố gắng vượt qua, chúng ta sẽ gặt hái được những điều tốt đẹp. Việc học tiếng Anh cũng không ngoại lệ”-Khang bày tỏ.

Góp mặt ở vòng chung kết năm nay, ngoài thí sinh ở địa bàn thuận lợi về dạy-học tiếng Anh còn có những em ở khu vực có điều kiện khó khăn như: Kbang, Ayun Pa, Krông Pa, Phú Thiện… Em Phạm Nguyễn Bảo Châu (lớp 5/1, Trường Tiểu học Chu Văn An, thị trấn Phú Thiện) tâm sự: “Em rất thích học tiếng Anh nhưng ở địa phương không có điều kiện đi học ở các trung tâm. Ngoài sự hướng dẫn của giáo viên dạy tiếng Anh, em tự học ở nhà thông qua các chương trình trên truyền hình, YouTube và ứng dụng trên điện thoại. Em rất vui vì đã đạt giải nhì”.

Cuộc thi là cơ hội để học sinh trải nghiệm với các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế. Ảnh: Mộc Trà

Cuộc thi là cơ hội để học sinh trải nghiệm với các bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh quốc tế. Ảnh: Mộc Trà

Ban tổ chức cuộc thi đã trao 36 giải cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Theo đó, 3 thí sinh đạt giải nhất của 3 bậc học lần lượt là: Võ Thục Nhi (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Pleiku); Nguyễn Thanh Hà (Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai) và Nguyễn Đăng Khang (Trường THPT chuyên Hùng Vương). Đối với giải tập thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku đạt ngôi vị cao nhất ở cả bậc Tiểu học và THCS; Trường THPT chuyên Hùng Vương đạt giải nhất ở bậc THPT.

Giám khảo Trần Đình Chung-giáo viên Trung tâm Anh ngữ Á Châu (TP. Pleiku) đánh giá: “Tôi là người gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Mỹ và mới về Việt Nam công tác được 7 năm. Qua cuộc thi, tôi khá bất ngờ trước tài năng tiếng Anh của học sinh Gia Lai. Điều này không chỉ cho thấy tinh thần tự học của các em mà còn chứng tỏ ngành Giáo dục tỉnh đã làm rất tốt công tác giảng dạy tiếng Anh cho học sinh”.

Theo ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban tổ chức cuộc thi: Sau hơn 1 tháng diễn ra, nhiều thí sinh đã xuất sắc vượt qua từng vòng thi với thành tích vượt trội. Chẳng hạn, bậc THPT có 7/20 em đạt 7.0-7.5 điểm theo thang điểm bài thi IELTS trong khi chuẩn năng lực ngôn ngữ bậc 3 đối với học sinh THPT chỉ cần đạt 4.5-5.0 điểm; 7/20 học sinh THCS đạt 160-169 điểm bài thi theo thang điểm bài thi PET, vượt chuẩn năng lực ngôn ngữ 2 bậc (đạt B2 thay vì A2); 17/20 học sinh tiểu học cũng đạt điểm tối đa 15 như bài thi Flyers (tương đương mức A2, trong khi chuẩn năng lực ngôn ngữ bậc Tiểu học là A1).

“Qua 3 lần tổ chức cuộc thi cho thấy, phong trào học tiếng Anh theo kỹ năng, chuẩn năng lực ngôn ngữ quốc tế đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh và có sự lan tỏa từ vùng thuận lợi cho đến vùng khó khăn. Điều này rất thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó Tiếng Anh là môn học bắt buộc”-ông Công nhận định.

Có thể bạn quan tâm

406 thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

406 thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Ngày 4 và 5-5, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 2 năm 2024. Kết quả bài thi này là một trong những phương thức dành cho thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành đào tạo chính quy của trường.

Học trò nông trường năm ấy

Học trò nông trường năm ấy

(GLO)- Tôi được chuyển từ Trường Sư phạm Mẫu giáo Gia Lai-Kon Tum (đóng ở Kon Tum) về Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai) từ đầu năm học 1977-1978. Sau đó, nhà trường điều tôi vào dạy lớp 1 tại điểm trường làng Delung. 
Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

(GLO)- Những con số của sử liệu thường khô cứng, vì thế không gì dễ đi vào lòng người bằng bài học lịch sử trực quan, sinh động, bằng “mắt thấy, tai nghe”. Một khi tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc cũng được nhân lên.