Dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy Gia Lai phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diện mạo tỉnh nhà đang dần thay da đổi thịt khi các dự án đầu tư công quy mô lớn được đưa vào vận hành. Trong tương lai, nhiều dự án trọng điểm sẽ tiếp tục được triển khai với khát vọng và quyết tâm đưa Gia Lai phát triển toàn diện.

Hoàn thiện hạ tầng

Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu làm việc của các cơ quan chức năng, thu hút đầu tư và tạo kiến trúc, cảnh quan khu vực trung tâm, Dự án hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 997/QĐ-UBND ngày 30-10-2015 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 10-2-2021. Quy mô dự án gồm: xây dựng nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với tổng chiều dài 8,6 km; xây dựng mới 6 tuyến đường nội bộ với tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Đến nay, tại khu vực Cửa khẩu đã có 32 nhà đầu tư thực hiện 39 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 539 tỷ đồng, vốn đầu tư ước đạt gần 200 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã đi vào hoạt động, 19 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang làm thủ tục. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi.

 Thi công kênh dẫn dòng hồ chứa Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ). Ảnh: Hà Duy
Thi công kênh dẫn dòng hồ chứa Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ). Ảnh: Hà Duy


Sau khi hoàn thành giai đoạn I, Dự án hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 388/NQ-HĐND ngày 17-6-2021. Quy mô đầu tư gồm 18 tuyến đường giao thông nội thị cấp khu vực có tổng chiều dài 7,2 km với mức đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Ông Trần Quang Thái-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Dự án hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện hạ tầng khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông, cơ sở vật chất cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân hoạt động thương mại tại Cửa khẩu; góp phần thu hút đầu tư, tạo kiến trúc, cảnh quan khu vực trung tâm và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo tiền đề để thu hút đầu tư. Hiện tại, giai đoạn II của dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2023”.

Góp phần cải thiện đáng kể hệ thống giao thông, tạo liên kết giữa các vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút các nguồn đầu tư khu vực phía Nam là mục tiêu của Dự án đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông. Tuyến đường này có chiều dài 114 km với tổng mức đầu tư 880 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: “Khi chưa có tuyến đường này, việc đi lại giữa các huyện khá xa vì phải đi vòng. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường đã giúp khoảng cách giữa các huyện được gần hơn. Giao thông thuận lợi khiến xe cộ lưu thông dễ dàng, người dân không lo bị thương lái ép giá nông sản như trước kia. Ngoài ra, những hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường cũng được hưởng lợi rất nhiều khi có thể mở hàng quán buôn bán. Đời sống người dân được nâng lên kéo theo sự phát triển đáng kể về kinh tế-xã hội của những địa phương nơi có tuyến đường đi qua, trong đó có Đức Cơ”.

Gia Lai có đầy đủ hình thái địa hình 3 vùng: đồng bằng, cao nguyên, đồi núi. Với điều kiện khí hậu ôn hòa mát mẻ, ít thiên tai và đất đai màu mỡ, nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 522.450 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 60.462 ha trồng lúa. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trước, chỉ 1/3 diện tích này được tưới đủ nước (25.400 ha), 20 trong số 295 đập, hồ chứa cần phải được cải tạo; gần 505 km kênh thủy lợi là kênh đất, cần được kiên cố hóa. Bên cạnh đó, giao thông vùng nông thôn đa số là đường đất, đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa. Đây là một trong những nguyên nhân cản trở đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thi công tràn xả lũ công trình thủy lợi Pleiku Thơ Ga. Ảnh: Hà Duy
Thi công tràn xả lũ công trình thủy lợi Plei Thơ Ga. Ảnh: Hà Duy


Vì vậy, khi Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất các tỉnh Tây Nguyên được triển khai với các hạng mục chính là đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy lợi, xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh. Theo đó, dự án đã nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa); sửa chữa, nâng cấp cụm công trình trạm bơm điện Tân Hội, An Quý và hồ Hà Tam (huyện Đak Pơ); nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn hệ thống thủy lợi Tân Sơn, khu vực xã Nghĩa Hưng và Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi A Dơk và đường giao thông nông thôn khu vực xã A Dơk và thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa)... đã đảm bảo tưới cho 1.500 ha lúa nước 2 vụ và 1.300 ha hoa màu.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Bên cạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thì tỉnh còn triển khai nhiều dự án giúp các địa phương phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Có thể kể tới Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên-tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư gần 646,7 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai tại 25 xã nghèo thuộc 5 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang và Ia Pa. Hợp phần phát triển sinh kế bền vững đã thành lập, hỗ trợ cho 741 nhóm cải thiện sinh kế với khoảng 10.231 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi. Dự án không chỉ hỗ trợ vốn mà còn theo sát hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân theo cách “cầm tay chỉ việc”, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, thu nhập. Trong chăn nuôi làm theo quy trình kỹ thuật, có chuồng trại, không thả rông, tiêm phòng đầy đủ, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 Đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Ảnh: Hà Duy
Đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương. Ảnh: Hà Duy
Giai đoạn 2015-2020, Gia Lai đã triển khai rất nhiều dự án đầu tư công có quy mô lẫn mức đầu tư lớn, như: Hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Plei Thơ Ga (huyện Chư Pưh) với tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng, hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (huyện Đak Pơ) với tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng, kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun (đoạn qua thị xã Ayun Pa) với tổng mức đầu tư 412 tỷ đồng, Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới vay vốn ADB-tiểu dự án tỉnh Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng, Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai (IFAD) tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng...

Cũng dự án này, hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng đã đầu tư 314 công trình với khoảng 115 km đường giao thông nông thôn, hơn 9 km hệ thống kênh tưới, 4 đập thủy lợi, 22 nhà văn hóa... Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ 100 công trình đấu thầu cộng đồng do cấp xã làm chủ đầu tư, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho 1.093 hộ gia đình, đồng thời giúp cho người dân tại địa phương tự nâng cao tay nghề, cách quản lý, tổ chức thực hiện công trình, thay đổi nếp tư duy cũ. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,96% với 14.943 hộ nghèo; có 128/182 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%; đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo người có công theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Những kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên-tỉnh Gia Lai.

Hay Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)-tiểu dự án Gia Lai với tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho người nghèo, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tiếp cận cơ hội nâng cao thu nhập; tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp trong vùng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế; cải thiện năng lực lập kế hoạch và điều phối giữa các tỉnh nhằm ưu tiên chiến lược cho đầu tư vào giao thông và các cơ sở hạ tầng khác trong bối cảnh hội nhập khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Các hoạt động chính của dự án là cải thiện kết nối đường bộ; cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần và quản lý giao thông; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng năng lực thể chế.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Những dự án trên vừa kích cầu, vừa tạo việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời, đây là yếu tố dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh. Mới đây, tỉnh đã thống nhất thông qua kế hoạch và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn dự kiến trên 18.259 tỷ đồng với 82 dự án. Đây tiếp tục là cơ sở tạo động lực đưa kinh tế-xã hội của Gia Lai “cất cánh”.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.