(GLO)- Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Ia Nan luôn xác định tuyên truyền, phổ biến pháp luật là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên khu vực Đồn quản lý ngày một nâng lên, góp phần cùng lực lượng Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 10 km và một xã biên giới với 10 thôn, làng (tổng dân số 1.831 khẩu/8.161 hộ). Đời sống của người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí chưa đồng đều, tập quán còn lạc hậu, nhận thức pháp luật còn hạn chế... Triển khai thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013-2016”, hàng năm, Đồn đã chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu cho UBND xã Ia Nan đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đến với cán bộ, nhân dân. Đồn cũng tham mưu cho xã thành lập Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; duy trì cụm truyền thanh nội bộ của xã, hàng tháng tổ chức tuyên truyền về các nội dung liên quan đến công tác phổ biến pháp luật; động viên, khuyến khích cán bộ, nhân dân tiếp cận với sách, báo pháp luật...
Đồn biên phòng Ia Nan phối hợp với Câu lạc bộ “Phụ nữ tự quản đường biên” tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ. Ảnh: A.H |
Trung tá Lê Viết Phấn: Qua thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới hải đảo” giai đoạn 2013 - 2016” trên địa bàn xã Ia Nan, nhận thức pháp luật và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trên địa bàn từng bước được nâng lên, tình trạng vi phạm pháp luật giảm rõ rệt, người dân cũng yên tâm lao động sản xuất và tham gia cùng Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền, lãnh thổ biên giới của Tổ quốc. |
Theo Trung tá Lê Viết Phấn-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Nan, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đội sản xuất của Công ty 72 (Binh đoàn 15) đổi mới nội dung, hình thức lẫn phương pháp tuyên truyền để phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; phối hợp với trường học trong các giờ chào cờ đầu tuần phổ biến một số nội dung liên quan về pháp luật… Đặc biệt, vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng cũng được phát huy trong việc tham gia cùng Bộ đội Biên phòng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Từ năm 2013 đến nay, Đồn đã phối hợp tuyên truyền tập trung tại các thôn làng được 75 lần/3.248 lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ 112 lần/1.94l lượt người nghe; tuyên truyền đối ngoại 18 lần/57 lượt người... “Người dân, nhất là những hộ có nương rẫy gần khu vực vành đai biên giới nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên đã nêu cao tinh thần cảnh giác, khi có dấu hiệu bất thường trong khu vực đều báo ngay với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng”-ông Rơ Châm Miếu-Trưởng nhóm đạo làng Nú cho biết.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Đồn cũng phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ xét xử lưu động 1 vụ/2 đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản, qua đó giáo dục, răn đe, ngăn chặn các đối tượng có dấu hiệu muốn thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trên địa bàn. Mặt khác, Đồn cũng tham mưu cho địa phương giải quyết tốt các vụ việc phức tạp về an ninh nông thôn, xây dựng củng cố thực lực chính trị; duy trì phong trào tổ tự quản đường biên, giữ gìn an ninh trật tự thôn làng trên khu vực biên giới; tham gia giáo dục, cảm hóa đối tượng thanh-thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn; phối hợp với lực lượng Công an, dân quân xã tổ chức tuần tra bảo vệ thôn làng... Bà Trần Thị Thủy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Nan, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ tự quản đường biên”, cho hay: “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với Đội Công tác địa bàn của Đồn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả cán bộ, hội viên phụ nữ ở các chi, tổ hội về chống xâm canh, xâm cư và chống vượt biên sang Campuchia; một số dấu hiệu nhận biết đường biên, mốc giới, vành đai biên giới... Đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng người dân xâm canh, xâm cư và đặc biệt ở 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số không có tình trạng người dân vượt biên”.
Phương Dung