(GLO)- So với các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh, Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) hiện khó khăn nhất cả về cơ sở vật chất lẫn đường sá đi lại. Đặc biệt, vào mùa mưa, Đồn gần như bị cô lập do nước suối Ia Mun dâng cao, chảy xiết. Có lẽ vì vậy mà khi biết chúng tôi chuẩn bị “chinh phục” các cung đường dẫn vào Đồn bằng xe máy, ai nấy đều kinh ngạc!
Vững vàng nơi phên giậu
Nếu tính theo đường chim bay, từ TP. Pleiku lên đến Đồn Biên phòng Ia Chía chừng 80 km. Nhưng con đường lên Đồn chỉ có thể lưu thông thuận lợi vào mùa khô hoặc những ngày ít mưa. Còn hơn 3 tháng qua, mưa kéo dài không ngớt, con đường dẫn vào Đồn bị chia cắt hoàn toàn do nước từ suối Ia Mun (cách Đồn khoảng 3 km) dâng cao, chảy xiết. Vì vậy, để vào được đơn vị, chúng tôi buộc phải “mua” thêm 20 km đường bằng cách lái xe vòng sang xã Ia O rồi men theo đường tuần tra biên giới ngược trở lại. Sau vài giờ vật lộn với các cung đường dưới những cơn mưa rừng không dứt, cuối cùng, chúng tôi cũng “cán đích” an toàn. Bên tách trà nóng, câu chuyện của chúng tôi cứ miên man không hồi kết, từ chuyện đường sá cho đến việc tăng gia sản xuất, rồi chuyện tuần tra, kiểm soát địa bàn trong mùa mưa bão...
Ảnh: P.D |
Về chuyện đường sá, Trung tá Nguyễn Đức Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Chía-cho biết: Mưa lớn kéo dài mấy tháng liên tục nên việc vận chuyển lương thực, thực phẩm vào đơn vị rất khó khăn. Tất cả lương thực, thực phẩm chỉ có thể bỏ lại phía bên kia suối Ia Mun và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải hỗ trợ nhau bơi qua suối đưa thực phẩm về lại bên này. Ngay cả việc làm thế nào để đảm bảo đủ lượng rau xanh trong bữa ăn hàng ngày vào mùa mưa cũng là thách thức không nhỏ với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Do đất ở khu vực đơn vị đóng quân là đất sét trắng, cứ mưa xuống là úng nước nên cán bộ, chiến sĩ phải sang tận khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) chở đất về tăng gia sản xuất. Sau đó, làm nhà lưới để hạn chế lượng nước mưa và chọn các loại rau có khả năng chịu nước, phù hợp với mùa mưa... “Về cơ bản, đơn vị đã tự túc được rau xanh và duy trì đàn heo trên 60 con, đàn gà vịt trên 400 con”-Trung tá Hùng cho biết.
Khó khăn với người lính Biên phòng Ia Chía đâu chỉ dừng lại ở chuyện đi lại hay tăng gia sản xuất mà còn trong mỗi chuyến tuần tra, kiểm soát để quản lý, bảo vệ gần 7,5 km đường biên giới trên sông. Theo Trung tá Nguyễn Đức Hùng, tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới do Đồn quản lý cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đơn vị vẫn luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ không được lơ là, mất cảnh giác, phải tăng cường tuần tra, kiểm soát không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; không để các đối tượng lợi dụng mưa bão vận chuyển lâm sản trái phép... Và trong quá trình tuần tra, cán bộ, chiến sĩ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, phương tiện. “Cùng với đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân không làm rẫy mới trong khu vực biên giới; thường xuyên trao đổi, nắm tình hình hai bên biên giới và làm tốt công tác đối ngoại biên phòng”-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Chía nhấn mạnh.
Quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo
Thượng úy Ngô Văn Hữu vận động chị Siu Bia quan tâm hơn đến việc học của 2 đứa con. Ảnh: P.D |
Phải mất vài lần “đo đường”, tôi và Thượng úy Rơ Châm Juên-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng mới vượt qua được những đoạn đường trơn như đổ mỡ để ghé nhà em Ksor Tuyết ở làng Nú 1. Tuyết là một trong 3 học sinh nghèo đang được Đồn nhận “Nâng bước em đến trường”. Chỉ còn vài ngày nữa, Tuyết sẽ trở lại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện để tiếp tục thực hiện ước mơ “trở thành cô giáo, mang kiến thức về dạy lại cho trẻ em trong làng”. Vì vậy, tranh thủ những ngày hè ít ỏi còn lại, em phụ giúp bà và chị dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa.
Mẹ mất khi Tuyết còn nhỏ, bố lấy vợ khác nên 2 chị em Tuyết sống cùng bà nội trong ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng. Gia tài của 3 bà cháu là 100 cây điều, 400 cây cao su (chưa thu hoạch) và 5 con bò. Con đường đến trường của cô học trò lớp 7 Ksor Tuyết vài năm trở lại đây khá chông chênh do bà nội ngày một già yếu, chị gái lại đến tuổi “bắt chồng”. Thật may, trong lúc khó khăn ấy, Tuyết đã được những người lính Biên phòng Ia Chía tận tình giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Em bộc bạch: “Có các chú Bộ đội Biên phòng giúp đỡ, em sẽ cố gắng học tập thật tốt!”. Còn ông Rơ Mah Chel (bố của Ksor Tuyết) cũng trải lòng: “Nhà khó khăn, có các anh bộ đội giúp đỡ 500 ngàn đồng mỗi tháng, rồi quan tâm, động viên cháu học tập, gia đình rất biết ơn!”.
Điều đáng quý là số tiền 500 ngàn đồng hỗ trợ hàng tháng đều do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp với mong muốn giúp các em có thêm động lực, niềm tin để vững bước đến trường. Bởi các em: Ksor Tuyết, Rơ Mah Miên (học sinh lớp 5, làng Bang) và Siu Thi (học sinh lớp 5, làng Đo, xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền, đơn vị còn giúp đỡ thêm tùy vào nhu cầu và hoàn cảnh của từng em, có thể là xe đạp, sách vở, áo quần... Trung úy Ngô Văn Hữu-cán bộ Đội Vận động quần chúng của Đồn-thông tin thêm: Năm học 2017-2018, đơn vị đã trích kinh phí mua tặng em Rơ Mah Miên một chiếc xe đạp để em thuận tiện đến trường.
Song hành với việc giúp các em nhỏ viết tiếp ước mơ đến trường, thời gian này, cán bộ của Đồn còn tích cực bám nắm địa bàn, không quản ngại mưa gió, đường đất trơn trượt để xuống từng làng, đến từng nhà, thậm chí lên tận rẫy để nhắc nhở các gia đình đưa con em đến trường, động viên các em học sinh chuẩn bị sách vở sẵn sàng cho năm học mới. Ghé nhà chị Siu Bia (làng Pó), Trung úy Ngô Văn Hữu động viên gia đình quan tâm đến việc học của 2 cháu: Siu Tương và Siu Trương. Trong đó, Siu Tương (năm nay học lớp 5) không thích đến lớp vì “ở nhà vui hơn”. Mỗi khi đến lớp, Tương thường không tập trung nghe thầy-cô giáo giảng bài, thậm chí còn viện đủ lý do như đau đầu, chóng mặt... để được nghỉ học. Chị Siu Bia chia sẻ: “Năm học này, mình sẽ chú ý hơn, đưa con đến tận lớp rồi mới về đi làm. Mình cũng muốn các con học tốt để sau này làm người có ích”.
Phương Dung