"Đòn bẩy" giúp phụ nữ Ia Pa thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Ia Pa (Gia Lai) đã chú trọng xây dựng quỹ tiết kiệm. Nhiều hội viên, phụ nữ đã được vay vốn từ nguồn quỹ này để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Nay H'Len (thôn HLim1, xã Ia Ma Rơn) trước đây thuộc diện hộ nghèo vì không có đất sản xuất, vợ chồng phải đi làm thuê cuốc mướn quanh năm. Năm 2018, chị được chi hội Phụ nữ thôn cho vay 12 triệu đồng để mua 1 con bò cái về nuôi. Nửa năm sau, bò mẹ đẻ bê con, khi nuôi lớn, chị bán được hơn 15 triệu đồng. Chị dùng số tiền này cộng với một ít tiền dành dụm mua 1 sào ruộng để trồng lúa. “Nhờ chăm chỉ làm ăn và được cán bộ phụ nữ xã, thôn hướng dẫn cách tiết kiệm chi tiêu hợp lý nên đời sống gia đình tôi dần ổn định. Cuối năm 2019, qua bình xét, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi vui lắm!”-chị H'Len bày tỏ.
 Phụ nữ xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) trao đổi về mô hình vay vốn tiết kiệm giúp nhiều chị em nuôi bò vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T.Đ
Phụ nữ xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) trao đổi về mô hình vay vốn tiết kiệm giúp nhiều chị em nuôi bò vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T.Đ
Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, chị Siu H'In (thôn Ma Rin 2, xã Ia Ma Rơn) cũng được quỹ tiết kiệm phụ nữ thôn cho mượn 12 triệu đồng để mua 1 con bò cái về nuôi. Sau 4 năm, đàn bò của chị đã phát triển lên thành 6 con. Cuối năm 2019, chị bán 1 con bò để lấy tiền di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn, tách biệt với khu nhà người ở. Chị H'In phấn khởi cho hay: “Sau khi gầy dựng được đàn bò, tôi đã bán bớt để mua 2 sào ruộng trồng lúa. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo nên tôi rất vui mừng. Tôi cố gắng cùng bà con làm ăn để xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới”.
Ia Ma Rơn là xã thuần nông, đất chật người đông nên đời sống của đa số chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Để từng bước giúp phụ nữ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã huy động nhiều nguồn vốn cho chị em vay đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, hơn 700 hội viên, phụ nữ của xã đã được vay vốn với tổng dư nợ trên 25 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ trong xã cũng đa dạng hình thức giúp đỡ nhau về vốn, giống, ngày công lao động để nâng cao thu nhập. Điển hình là phong trào quỹ tiết kiệm phụ nữ với quy định mỗi chị đóng góp 1 triệu đồng/năm để quay vòng cho phụ nữ khó khăn vay không tính lãi. Đến nay, hầu hết các thôn của xã đều có quỹ tiết kiệm phụ nữ với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng, đã cho 40 chị vay để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. “Nguồn quỹ tiết kiệm phụ nữ đã phát huy hiệu quả thiết thực. Đa số chị em được vay vốn đều quản lý, sử dụng hiệu quả, đến hạn trả lại đầy đủ, sau đó quay vòng cho người khác vay. Nhờ đó, đời sống của chị em được nâng lên. Chị em ngày càng gắn kết hơn với công tác Hội. Hiện nay, tỷ lệ chị em tham gia sinh hoạt Hội đạt gần 75%”-bà Vương Thị Thảo-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ma Rơn-cho hay.
Từ quỹ tiết kiệm phụ nữ xã Ia Ma Rơn, đến nay, phong trào gây quỹ tiết kiệm đã lan tỏa rộng khắp ở các xã trong huyện Ia Pa. Bà Ksor H'Che-Chủ tịch Hội LHPN huyện-thông tin: Ban Chấp hành Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN các xã đa dạng hình thức tiết kiệm, vay vốn, hỗ trợ chị em phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, năm 2019 đã vận động được 771 chị em góp quỹ tiết kiệm 5.000 đồng/người/tháng được trên 112 triệu đồng để cho 88 chị vay. Quỹ tiết kiệm phụ nữ do chị em các chi hội tự quản lý đã huy động được 756 thành viên tham gia đóng góp hơn 450 triệu đồng cho 92 chị vay… Các địa phương có phong trào phụ nữ gây quỹ tiết kiệm lan tỏa rộng và phát huy hiệu quả như: Ia Ma Rơn, Kim Tân, Pờ Tó, Ia Trok, Chư Mố…
Khi chị em tiếp cận được nguồn vốn, Hội LHPN phối hợp với chính quyền và ngành chuyên môn tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ tiếp cận thị trường, ổn định đầu ra sản phẩm để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, các cấp Hội thường xuyên hướng dẫn chị em cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm để tích lũy tái đầu tư sản xuất và phòng khi đau ốm. “Năm 2019, nguồn quỹ tiết kiệm phụ nữ đã giúp cho nhiều gia đình chị em có vốn làm ăn, trong đó có 70 chị vươn lên thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Qua đó góp phần động viên chị em gắn kết với tổ chức Hội, tham gia sinh hoạt thường xuyên hơn. Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục vận động các chi hội mở rộng thêm nhiều tổ nhóm tiết kiệm phụ nữ để phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp”-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa chia sẻ.
 TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.