Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhằm khắc phục sự manh mún, thiếu liên kết trong tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản, ngành chức năng đang tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương.

* P.V: Theo ông, phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

 

 Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Vũ Thảo
Ông Phạm Văn Binh. Ảnh: Vũ Thảo

- Ông PHẠM VĂN BINH: Gia Lai có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, mía, mì, các loại cây ăn quả… Hầu hết các loại nông sản chủ lực sản xuất ra đều gắn với các nhà máy chế biến, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân với tổng diện tích cây trồng khoảng 140.284 ha, tổng sản lượng đạt 789.078 tấn. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã quan tâm hơn đến việc sử dụng mã số, mã vạch, bước đầu xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh.

Hiện nay, hàng hóa được tiêu thụ chủ yếu qua kênh truyền thống thông qua mạng lưới gồm 94 chợ các loại (1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 69 chợ hạng III, 12 chợ tạm), 19 siêu thị (10 siêu thị chuyên doanh, 9 siêu thị tổng hợp) và 170 cửa hàng tiện lợi. Cơ sở hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng hạ tầng chưa tốt, số lượng còn ít, phân bố không đều, tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố, chưa có chợ đầu mối đạt chuẩn thực hiện phát luồng hàng hóa đến các cơ sở chế biến, các nhà xuất khẩu. Số lượng siêu thị hạng II còn ít, chưa thể hiện được thế mạnh, vai trò của siêu thị trong kênh phân phối trên thị trường.

Trên thực tế, mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu có diện tích canh tác lớn nhưng tỷ lệ chế biến thấp, chủ yếu là sơ chế đánh bóng và xuất thô; mặt hàng trái cây, rau củ là nông sản mới, đã có các mô hình liên kết, một số nhà máy chế biến sâu, nhưng diện tích vùng nguyên liệu manh mún, chưa tập trung. Việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản phần lớn là tự phát, thiếu liên kết, do đó gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”.

* P.V: Các kênh tiêu thụ nông sản hiện nay đang thiếu tính liên kết, làm tăng rủi ro, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài nước, chưa kết hợp được với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị bền vững cho hàng nông sản. Bên cạnh đó, các yêu cầu cao về tiêu chuẩn sản xuất, nguồn gốc, thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn mác, bao bì, bảo vệ môi trường… cho thị trường xuất khẩu chưa được định hướng, thực hiện đồng bộ, bài bản. Nguyên nhân là do tập quán canh tác lạc hậu, trong khi nhu cầu của thị trường thay đổi và yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng cao. Mặt khác, còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu định hướng, dẫn dắt sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và thiếu các tổ chức cầu nối phát triển liên kết sản xuất.

 Các chủ thể sản xuất kinh doanh đã chú trọng đến xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Thảo
Các chủ thể sản xuất kinh doanh đã chú trọng đến xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ảnh: Vũ Thảo


Trong điều kiện các nước tăng cường bảo hộ nền kinh tế trong nước và dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, ngoài sản xuất nông sản đạt chuẩn thì việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản bền vững, liên kết chặt chẽ có vai trò quan trọng góp phần dự báo nhu cầu thị trường, định hướng sản xuất. Cùng với đó, việc triển khai một số hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để mở rộng sản xuất, xuất khẩu nông sản với thuế suất ưu đãi, không phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống như trước đây.

Để giải quyết thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này là cơ sở để triển khai thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

* P.V: Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến những mục tiêu nào, thưa ông?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Mục tiêu của Đề án là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% số hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi; xây dựng từ 10 mô hình trở lên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm; có ít nhất 20 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), trong đó có 1-2 sản phẩm được đăng ký bảo hộ ra nước ngoài; 90% sản phẩm OCOP 3-4 sao được đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 200 hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phấn đấu có ít nhất 70% doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp được tập huấn, đào tạo kiến thức về thương mại điện tử. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao tỷ lệ chế biến các loại sản phẩm nông nghiệp và nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, nhất là các loại sản phẩm còn nhiều dư địa về thị trường, có lợi thế và những ngành hàng tỷ lệ chế biến còn thấp. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu sản lượng rau quả qua chế biến tăng từ 20%/năm; tỷ lệ chế biến cà phê đạt ít nhất 30%; tỷ lệ chế biến hồ tiêu đạt ít nhất 30%. Nâng cấp, cải tạo, xây mới 10 chợ nông thôn, 1 chợ đầu mối.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có từ 80% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi, xây dựng thêm từ 10 mô hình trở lên áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm; có từ 30 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), trong đó có ít nhất 3 sản phẩm được đăng ký bảo hộ ra nước ngoài; 100% sản phẩm OCOP 3-4 sao được đăng ký nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu thông thường). Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp, cải tạo, xây mới thêm 10 chợ nông thôn; xây mới 1 chợ đầu mối.

* P.V: Sở Công thương là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án. Theo ông, cần tập trung vào những giải pháp cụ thể nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

- Ông PHẠM VĂN BINH: Về các giải pháp chung, Sở Công thương và các ngành liên quan sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, phổ biến các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản tiêu biểu của các đơn vị, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, nhân rộng ra toàn tỉnh. Trên cơ sở mô hình liên kết hợp tác thu hút các doanh nghiệp kết nối để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tập trung thực hiện các chính sách thu hút, ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các loại hình cơ sở hạ tầng thương mại như siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích...; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ; kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ chức quản lý chợ; nhân rộng các mô hình chợ an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP, các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, các vùng chuyên canh, nguyên liệu của tỉnh. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ nhằm tìm kiếm thị trường, đối tác, hỗ trợ chứng nhận sản phẩm an toàn. Đẩy mạnh công tác quảng bá như liên kết với các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin để làm phong phú, đa dạng hóa công tác quảng bá nhằm tạo ra cách tiếp cận, giới thiệu mới, hấp dẫn, thuận lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Thúc đẩy các mô hình liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

* P.V: Xin cảm ông!

 

 VŨ THẢO (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm gần 20%

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm gần 20%

(GLO)- Báo điện tử VnExpress dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 10-2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD (tăng 5,7% so với tháng 9-2023, nhưng giảm 0,9% so với tháng 10-2022). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 790 triệu USD (tăng 4% so với tháng 9-2023 và tăng 0,3% so với tháng 10-2022).
Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 7 ngày, vào thứ Năm hàng tuần

Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 7 ngày, vào thứ Năm hàng tuần

(GLO)- Chính phủ vừa ban hành nghị định mới cho phép liên bộ Công thương-Tài chính điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường nội địa với chu kỳ rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày một lần, vào thứ Năm hàng tuần; đồng thời cho phép các đại lý được nhập xăng của 3 đầu mối, thay vì mỗi đại lý chỉ được mua hàng của một đầu mối như quy định cũ.
Giá hồ tiêu trong nước đồng loạt tăng

Giá hồ tiêu trong nước đồng loạt tăng

(GLO)- Theo thông tin từ Báo Công thương, website giatieu.com, giá hồ tiêu trong nước ngày 16-11 đồng loạt tăng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tấn so với tuần trước tại các vùng trồng trọng điểm trên cả nước, dao động từ 67,5 triệu đồng đến 70,5 triệu đồng/tấn.
Khi nào người dân được lựa chọn mua điện từ các đơn vị bán lẻ trực tiếp?

Khi nào người dân được lựa chọn mua điện từ các đơn vị bán lẻ trực tiếp?

Mặc dù Đảng và Nhà nước chủ trương xóa bỏ độc quyền đối với ngành điện, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn độc quyền sản xuất điện, nhưng người dân và doanh nghiệp hiện chỉ có một lựa chọn duy nhất là mua điện của EVN. Thế độc quyền đó có thể thay đổi không, và sẽ thay đổi như thế nào?
Xuất khẩu hạt điều nhân đạt gần 3 tỷ USD

Xuất khẩu hạt điều nhân đạt gần 3 tỷ USD

(GLO)- Báo Công thương dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 10-2023, xuất khẩu hạt điều nhân của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới với 64.320 tấn, trị giá 358,18 triệu USD (tăng 13,3% về lượng và tăng 15,5% về trị giá so với tháng 9-2023; tăng 47,7% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với tháng 10-2022).
Xuất khẩu 26 triệu tấn xi măng và clinker trong 10 tháng

Xuất khẩu 26 triệu tấn xi măng và clinker trong 10 tháng

(GLO)- Báo Công thương dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 10-2023, xuất khẩu xi măng và clinker (nguyên liệu chính không thể thiếu trong sản xuất xi măng) của Việt Nam đạt 2,6 triệu tấn, trị giá 103 triệu USD (tăng 22,8% về lượng và tăng 14,8% về trị giá so với tháng 10-2022).
Xuất khẩu sầu riêng vượt 1,7 tỷ USD

Xuất khẩu sầu riêng vượt 1,7 tỷ USD

(GLO)- Báo điện tử VnExpress dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 9-2023, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi 9 quốc gia với kim ngạch trên 1,7 tỷ USD (tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Giá gas trong nước tiếp tục tăng

Giá gas trong nước tiếp tục tăng

(GLO)- Theo thông tin từ Báo Công thương, trang thông tin điện tử tổng hợp vietnambiz.vn, từ đầu tháng 11-2023, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước đã thông báo điều chỉnh tăng giá mặt hàng này từ 4.000 đến 4.200 đồng/bình 12 kg. Đây cũng là tháng thứ tư tăng giá liên tiếp của mặt hàng này.
Nhập khẩu đậu nành đạt gần 1,5 triệu tấn

Nhập khẩu đậu nành đạt gần 1,5 triệu tấn

(GLO)- Báo Công thương dẫn số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 9-2023, Việt Nam nhập khẩu 97.006 tấn đậu nành, trị giá 58,24 triệu USD (giảm 41,6% về lượng và giảm 39,7% về trị giá so với tháng 8-2023). Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước nhập khẩu hơn 1,47 triệu tấn đậu nành, trị giá gần 935 triệu USD (tăng 5,3% về lượng, nhưng giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022).