Đổi mới phương pháp ôn thi tốt nghiệp cho học sinh dân tộc nội trú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức diễn ra vào cuối tháng 6. Cùng với các cơ sở giáo dục trong tỉnh Gia Lai, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú đang tích cực đổi mới phương pháp ôn thi nước rút cho học sinh với quyết tâm “vượt vũ môn” thành công.

Sáng đèn ôn thi

Đúng 19 giờ, tất cả phòng học của khối 12 tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đều sáng đèn, bắt đầu thời gian tự học buổi tối. Ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em học sinh đều tự giác ôn tập một cách nghiêm túc và nền nếp mà không cần sự can thiệp, nhắc nhở của giáo viên trực ban.

Em Kpuih H'Grin (lớp 12E) cho biết: “Chúng em bắt đầu tự học từ 19 giờ đến 22 giờ. Bạn nào muốn học thêm thì ở lại đến 23 giờ. Buổi tối là khoảng thời gian có thể tận dụng tối đa để củng cố kiến thức nên em đã xây dựng cho mình thời gian biểu ôn tập cụ thể sao cho đạt hiệu quả, nhất là đối với những môn học bản thân còn yếu”.

Em Kpuih H’Grin (bìa phải)-Lớp 12E, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cùng bạn ôn thi tốt nghiệp trong giờ tự học buổi tối. Ảnh: Mộc Trà

Em Kpuih H’Grin (bìa phải)-Lớp 12E, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cùng bạn ôn thi tốt nghiệp trong giờ tự học buổi tối. Ảnh: Mộc Trà

Tại phòng học của lớp 12A, em Nguyễn Văn Mạnh chăm chú ôn tập bên chiếc máy tính xách tay. Dự định đăng ký học ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại với số điểm xét tuyển đầu vào khá cao, vì thế, nam sinh người Mường quyết tâm dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

“Trong số các môn thi tốt nghiệp, em thiếu tự tin nhất ở môn Toán bởi lượng kiến thức khá nhiều và khó, nhất là ở những bài tập có tính vận dụng cao. Ngoài trao đổi với thầy cô bộ môn và bạn bè, em đã đăng ký khóa luyện thi online để bổ sung lượng kiến thức đang thiếu hụt. Em thường ưu tiên nhiều thời gian hơn để ôn tập môn Toán; riêng Ngữ văn, em sẽ học bài vào lúc 4 giờ sáng vì cảm thấy đây là thời điểm bản thân có thể ghi nhớ và cảm thụ văn chương tốt nhất”-Mạnh chia sẻ.

Hơn 153 học sinh lớp 12 của Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) cũng đang tất bật chạy đua với thời gian để ôn luyện cho kỳ “vượt vũ môn”. Em Đinh Thị Ngọc Hân (lớp 12A) cho hay: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra sớm hơn 10 ngày so với năm trước nên thời gian ôn tập của chúng em cũng không còn nhiều. Ai cũng đang tập trung sức lực cho giai đoạn nước rút. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em tập trung luyện đề, bổ sung kiến thức mà mình còn thiếu hoặc chưa nắm vững theo nội dung đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Thuận lợi của chúng em là học nội trú nên có thể ôn tập và tự học cùng thầy cô, bạn bè mọi lúc, mọi nơi; qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình ôn luyện”.

Đổi mới phương pháp

Với đối tượng học sinh và mô hình giáo dục đặc thù, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp phù hợp, hiệu quả cho khối 12. Nhờ đó, nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của cả 2 trường đều đạt 100%, trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đã duy trì thành tích này suốt 11 năm qua.

Giáo viên và học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tăng tốc ôn thi với quyết tâm “vượt vũ môn” thành công. Ảnh: Mộc Trà

Giáo viên và học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh tăng tốc ôn thi với quyết tâm “vượt vũ môn” thành công. Ảnh: Mộc Trà

Theo thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, năm học 2022-2023, toàn trường có 144 học sinh lớp 12, trong đó có 27 em chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại chọn tổ hợp Khoa học xã hội. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, đổi mới giải pháp ôn thi cho học sinh trên cơ sở phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Theo đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhà trường có 3 môn thi bị tụt hạng điểm khá sâu gồm: Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Điều này đòi hỏi nhà trường phải thay đổi cách thức ôn tập trong năm nay để giúp học sinh nâng cao chất lượng các bài thi kể trên. Ngoài ra, căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá giữa và cuối học kỳ, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ động, linh hoạt trong tổ chức ôn tập, phụ đạo để củng cố kiến thức cho học sinh, nhất là những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp.

“Trong năm học, nhà trường đã tổ chức ôn tập đều đặn các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học và Sinh học cho học sinh. Riêng 3 môn của tổ hợp Khoa học xã hội, nhà trường đang tập trung hệ thống lại kiến thức cho các em khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, sau khi các em đã hoàn thành chương trình lớp 12. Đối với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp, ngoài giờ học và ôn thi trên lớp, buổi tối, giáo viên sẽ hỗ trợ thêm cho các em trong thời gian tự học kéo dài từ 19 đến 22 giờ”-thầy Kmlă cho biết.

Nhằm duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT và nâng cao điểm trung bình các môn thi, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai đã chia quá trình ôn thi cho học sinh thành 3 giai đoạn với mục tiêu “học đến đâu, chắc đến đó”. Cụ thể, giai đoạn 1, giáo viên vừa dạy vừa củng cố kiến thức theo sách giáo khoa; giai đoạn 2 bắt đầu tiến hành ôn tập từng môn học, kết hợp luyện đề theo đúng định hướng đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT đã công bố; giai đoạn 3 sẽ tăng tốc ôn thi sau khi các em hoàn thành chương trình học lớp 12, tập trung vào luyện đề theo tổ hợp và nâng cao kỹ năng làm bài thi.

“Học sinh của trường 90% là người Bahnar, Jrai nên khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức còn hạn chế. Vì thế, nhà trường đã phân loại đối tượng học sinh và xác định chỉ tập trung giúp các em nắm chắc kiến thức cốt lõi, cơ bản để đậu tốt nghiệp, có thể đáp ứng làm bài được khoảng 70-80% chứ không quá chú trọng vào những kiến thức nâng cao. Em nào có năng lực sẽ chủ động nắm bắt và thử sức với những câu hỏi, bài tập khó. Nhà trường cũng sẽ tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 vào cuối tháng 5 và trung tuần tháng 6; qua đó, đánh giá thực trạng, bổ khuyết kiến thức cấp tốc để các em vững tin bước vào kỳ thi chính thức”-Hiệu trưởng Hà Hữu Phúc thông tin.

Nhiều giáo viên cũng không quản ngại khó khăn, tìm ra phương pháp ôn thi mới hiệu quả để giúp học trò của mình “vượt vũ môn” thành công. Chiến thuật ôn tập đặt ra là giúp học sinh “không bỏ lỡ điểm” ở những câu hỏi ở cấp độ 1-2. Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm-giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai-cho hay: Hầu hết học sinh của trường đều chọn tổ hợp Khoa học xã hội để thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, tôi đã chủ động lập kế hoạch ôn thi cho môn Giáo dục công dân mà mình đang đảm trách. Thay vì biên soạn tài liệu ôn thi đơn thuần như những năm trước, năm nay, tôi quyết định hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy nhằm giúp học sinh dễ nắm bắt và hiểu bài hơn; đồng thời, tăng cường cho các em rèn luyện kỹ năng làm bài, giải đề thi gắn với thường xuyên kiểm tra bài cũ để các em không quên kiến thức. Đến thời điểm hiện tại, phương pháp của tôi đã mang lại hiệu quả thiết thực; hầu hết học sinh đã tự tin hơn ở môn thi này.

Tương tự, cô Phan Thị Như Hoa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh-chia sẻ kinh nghiệm: “Với môn Ngữ văn, tôi thường yêu cầu học sinh đọc kỹ và bám sát tác phẩm để có ngữ liệu tốt khi làm bài. Bởi thông thường, với năng lực hạn chế, các em khá lười đọc tác phẩm mà chỉ muốn nghe giáo viên truyền đạt, nhớ rồi viết theo. Tôi cũng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong thiết kế nội dung ôn thi nhằm tạo hứng thú, giảm áp lực cho học sinh. Sau khi giao bài tập, tôi chấm và sửa chi tiết ở từng câu, từng phần để các em rút kinh nghiệm chung, tránh lặp lại lỗi sai khi làm bài thi”.

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.

Gia Lai chủ động phòng- chống bệnh sởi trong trường học

Gia Lai chủ động phòng- chống bệnh sởi trong trường học

(GLO)- Từ tháng 10-2024 đến nay, ca mắc sởi có dấu hiệu gia tăng trong cộng đồng trên địa bàn Gia Lai. Tính đến sáng 14-12, Gia Lai ghi nhận 148 ca mắc sởi và 237 ca nghi ngờ; hầu hết ca mắc sởi là trẻ dưới 5 tuổi. Trước tình hình đó, các trường mầm non tại Gia Lai chủ động phòng- chống dịch.

Sân chơi hấp dẫn của học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai

Sân chơi hấp dẫn của học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai

(GLO)- Vòng chung khảo hội thi “Olympic tiếng Anh” trong học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai năm học 2024-2025 vừa được Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức thành công vào chiều 13-12. Học sinh, sinh viên đã có cơ hội thể hiện tài năng tiếng Anh và sự am hiểu kiến thức xã hội.