* Thanh tra thuế vào 6 lĩnh vực
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính, do khó khăn, vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp (DN) chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước. Ước tính tổng số tiền DN nợ thuế chiếm 5% số thu, khoảng 30.000 tỉ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, theo quy định, nếu sau ngày 31-3 DN nào chưa nộp tiền nợ thuế sẽ bị cưỡng chế và phong tỏa tài khoản. Ngành thuế sẽ cân nhắc nên công bố danh sách các DN bị cưỡng chế thuế hay không. Vì nếu không công bố thì sẽ bất bình đẳng với các DN đã nộp thuế.
Nói rõ hơn về nguyên nhân nhiều DN nợ đọng thuế, ông Trịnh Hoàng Cơ, vụ trưởng Vụ Quản lý nợ (Tổng cục Thuế), cho biết do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều DN lâm vào tình trạng sản xuất kinh doanh thua lỗ. Sức tiêu thụ hàng hóa chậm, ngân hàng thắt chặt cho vay. Nhiều DN chấp nhận phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh. Một số DN có số nợ hàng chục tỉ đồng và thời gian nợ kéo dài như: Công ty CP tập đoàn Thành Công, Công ty CP Bia và nước giải khát Phú Yên, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Công ty TNHH một thành viên, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Cavico xây dựng cầu hầm...
Đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nhưng không ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán dẫn đến tình trạng DN không có tiền để nộp thuế. Đây là nợ có khả năng thu, chiếm 72,3% tổng số nợ thuế, trong đó nợ trên 90 ngày chiếm 63,3%.
* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng vừa có chỉ thị yêu cầu ngành thuế đảm bảo tổng số tiền nợ thuế đến thời điểm 31-12-2012 không vượt quá 5% so với số thu.
Tại chỉ thị, ông Huệ yêu cầu ngành thuế tập trung vào sáu lĩnh vực chủ yếu: kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá; hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng; thu thuế với lĩnh vực bất động sản, thuế thuê và sử dụng đất; chống thất thu đối với kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch; khai thác mỏ; chống thất thu thuế với loại hình kinh doanh mới phát sinh như thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng.
Theo Tuoitre