Doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 16-4 vừa qua, Báo Gia Lai nhận được đơn của tập thể người lao động đang làm việc tại Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai (đường Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku) phản ánh về việc đơn vị sử dụng lao động chậm trả lương khiến đời sống của tập thể người lao động bị ảnh hưởng.

Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai (trước hoạt động với 100% vốn của Nhà nước, từ tháng 3-2014, Công ty chuyển qua cổ phần với 70% vốn doanh nghiệp và 30% vốn Nhà nước) hiện đang sử dụng 135 cán bộ, công nhân viên; trong đó, lao động trực tiếp 69 người, gián tiếp 66 người; lao động hợp đồng không xác định thời hạn là 126 người, có xác định thời hạn 9 người… Cụ thể, đến thời điểm hiện tại đã là nửa cuối tháng 4-2015 nhưng Công ty chỉ mới cho người lao động ứng lương tháng 1-2015. Chính vì sự chậm trễ này không chỉ quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng mà đời sống thường ngày cũng gặp không ít khó khăn.

 

Đời sống người lao động bị ảnh hưởng khi Công ty chậm trả lương. Ảnh: N.N
Đời sống người lao động bị ảnh hưởng khi Công ty chậm trả lương. Ảnh: N.N

Về vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai đã có buổi làm việc với ông  Đặng Văn Trung-Trưởng phòng Tổ chức-Lao động-Hành chính Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai. Ông Trung cho biết: Đây là lần đầu tiên Công ty nhận được phản ánh này từ người lao động. Những năm vừa qua, công tác chi trả lương luôn đảm bảo, chưa gặp trường hợp phản ánh nào tương tự. Về việc chậm trả lương là do khối lượng thi công dở dang không được nghiệm thu; chủ đầu tư chỉ nghiệm thu theo hạng mục hoàn thành. Tuy nhiên Công ty đã sử dụng nguồn vốn tự có để đảm bảo chi trả lương cho người lao động.

Theo ông Trung, trong ngày 23-4, Giám đốc đi công tác về sẽ ký thanh toán lương cho công nhân tháng 1 và tháng 2-2015 và cho tạm ứng lương tháng 3-2015. Cũng theo ông Trung, lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động. Tình hình kinh tế suy thoái cũng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung trong đó có Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai nói riêng. Chính vì vậy rất cần sự chia sẻ khó khăn và đồng hành của tập thể người lao động với sự phát triển của Công ty.

Xung quanh việc chậm trả lương, tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động vừa được Chính phủ ban hành về tiền lương quy định: Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

 

Biên bản làm việc về tình hình trả lương tại Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai. Ảnh N.N
Biên bản làm việc về tình hình trả lương tại Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai. Ảnh N.N

Về vấn đề này, ông Nguyễn An Chín-Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai cho biết: Công đoàn Công ty không nhận được phản ánh nào về việc chậm trả lương. Sắp tới trong Đại hội cán bộ công nhân viên, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra trước toàn thể công nhân viên; trong đó cả những điểm mới theo Bộ luật Lao động và sẽ lấy ý kiến tất cả. Nếu công nhân viên chia sẻ với khó khăn chung của Công ty thì tốt còn nếu không thì chúng tôi sẽ kiến nghị lên trên nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Liên quan đến việc này, ngày 21-4 vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai. Tại buổi làm việc, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị công ty cố gắng đảm bảo thanh toán lương hàng tháng kịp thời cho người lao động; trước mắt chi trả lương tháng 1 và tháng 2 và ứng lương tháng  3-2015 theo cam kết. Về phía Công ty cổ phần Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Gia Lai cũng có kiến nghị Hội đồng Quỹ Bảo trì Đường bộ trung ương sớm duyệt kế hoạch chi hàng năm để các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ có nguồn tài chính kịp thời đảm bảo chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

(GLO)-Sáng 22-7, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) phối hợp với BIDV Nam Gia Lai chi trả quyền lợi bảo hiểm trị giá gần 1,1 tỷ đồng cho gia đình khách hàng Phạm Văn Tụng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).
Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

(GLO)- Chiều 17-7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Pleiku tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VIII (mở rộng) để sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP. Pleiku lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2026), sơ kết công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm 2024.