Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 21-8, đoàn giám sát do đồng chí Hà Ngọc Chiến-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2011-2020) trên địa bàn tỉnh.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến làm việc với lãnh đạo tỉnh (1)
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Gia Lai hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 46%. Với đặc thù về vị trí địa lý và kinh tế-xã hội của địa phương, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chương trình, quyết định nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Giai đoạn 2011-2020, kinh phí chi cho hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS trên 281 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện 14 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi; 96 đề tài, dự án cấp tỉnh cùng 258 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cơ sở. Các dự án, đề tài nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng ngay trong sản xuất và đời sống của vùng đồng bào DTTS, mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại cơ sở, góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước giảm thiểu các luật tục, hủ tục trong vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình, đề tài khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn; việc chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tế còn chưa nhiều. Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, tại buổi làm việc, các sở, ngành, địa phương đã đề nghị tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh triển khai Chương trình nông thôn miền núi, ưu tiên triển khai tại các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao; nâng mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ khó khăn khi tham gia dự án thử nghiệm nhằm triển khai rộng rãi công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi nhằm giúp người dân thuận lợi trong sản xuất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao hiệu quả việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất và nhân rộng các mô hình, dự án sau khi nghiên cứu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến làm việc với lãnh đạo tỉnh (1)
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2011-2020.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: “Nghiên cứu là cần thiết và xuất phát từ thực tiễn nhưng không đưa vào phục vụ thúc đẩy kinh tế-xã hội thì hiệu quả đem lại cũng chưa cao. Tôi đề nghị đánh giá việc tổ chức thực hiện cũng như đánh giá cụ thể nguyên nhân và hạn chế để làm sao các chương trình, dự án phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh: “Những nội dung mà tỉnh đề xuất, kiến nghị là cơ sở thực tiễn để đoàn giám sát tổng hợp và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ mang tính xác đáng, khả thi nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tham quan vườn ươm cây chanh dây của công ty đồng giao huyện mang yang
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tham quan vườn ươm cây chanh dây của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy

Trong chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai, đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tham quan mô hình chế biến rau quả và vườn ươm cây giống của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang). Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến chanh dây trên địa bàn tỉnh, cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại chỗ, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Đoàn cũng đã đến thăm, kiểm tra mô hình thâm canh cây chuối mốc thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất một số loại cây nông nghiệp” tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ). Mô hình được triển khai trên quy mô 10 ha, hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, kỳ vọng giúp người dân địa phương tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tặng quà cho các công nhânngười dân tộc thiểu số ở nhà máy chế bến chanh dây đồng giao
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến tặng quà cho công nhân là người DTTS của  Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Đức Thụy

Nhân dịp này, đoàn đã tặng 10 suất quà cho công nhân tiêu biểu là người DTTS của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và người dân tham gia mô hình thâm canh cây chuối mốc.

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ: Binh đoàn 12 cần thực hiện '3 tiên phong' trong thời kỳ mới

Thủ tướng Chính phủ: Binh đoàn 12 cần thực hiện '3 tiên phong' trong thời kỳ mới

(GLO)- Chiều 10-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ tới thăm, làm việc với Binh đoàn 12-Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).
Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

(GLO)-

94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng ký ức về những ngày tham gia giải phóng Điện Biên vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Lưu Thế Quý (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê).

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.