(GLO)- Ngày 14-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở Hội trường Dự án Luật Kiến trúc, đây là dự thảo luật cho ý kiến lần đầu theo quy trình xây dựng luật. Trên cơ sở hệ thống pháp luật và dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai đã đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự án luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) đồng ý với việc cần phải xây dựng Luật Kiến trúc để thống nhất quản lý trong lĩnh vực kiến trúc, phát huy bản sắc dân tộc trong các công trình kiến trúc. Để hoàn thiện Dự thảo luật, thống nhất với các văn bản luật, đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thẩm quyền và các nội dung liên quan đến nghề kiến trúc.
Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Đại biểu đề nghị cần xem xét Dự thảo Luật Quy hoạch với Luật Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng, tránh tình trạng đặt thêm thủ tục trong quản lý xây dựng; cần làm rõ mối quan hệ giữa quy chế quản lý kiến trúc với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị để đả bảo sự thống nhất. Liên quan đến Luật Quy hoạch, Quốc hội dự kiến thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng tại dự thảo Luật Kiến trúc cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung các Luật này trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Trong lĩnh vực đầu tư, đại biểu đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư liên quan đến “kinh doanh dịch vụ kiến trúc”, Chính phủ cần có đánh giá, thuyết minh rõ mục đích, yêu cầu và sự cần thiết khi trình Quốc hội theo quy định.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương. Ảnh: Vũ Định |
Về thẩm quyền liên quan đến quy hoạch, Đại biểu đề nghị không quy định Hội đồng Kiến trúc Quốc gia trong dự thảo Luật này, bởi Hội đồng kiến trúc Quốc gia là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, loại hình cơ quan này đã được quy định tại khoản 10 Điều 28 của Luật Tổ chức Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có quyền hạn “quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành”. Đối với thẩm quyền của địa phương, đại biểu đề nghị xem xét thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về việc ban hành và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với năng lực, điều kiện của Chính quyền địa phương hiện nay; thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc phải thống nhất với thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng.
Về hành nghề kiến trúc, Đại điểu để nghị Dự luật cần làm rõ phạm vi hành nghề kiến trúc; thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; chứng chỉ năng lực tổ chức của tổ chức hành nghề kiến trúc; điều kiện được miễn điều kiện sát hạch, thời gian, kinh nghiệm tham gia kiến trúc để phản ánh được đặc thù, tính liên tục của nghề kiến trúc; tổ chức hội nghề nghiệp của kiến trúc sư.
Vũ Định