Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tại hội nghị sơ kết công tác tháng 7 và triển khai nhiệm vụ tháng 8-2023 diễn ra vào chiều 3-8. Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế.

Thẳng thắn “mổ xẻ” tồn tại, hạn chế

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thông tin: Trong tháng 7 và 7 tháng năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Nhìn chung, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 27-7, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 190.858 ha cây trồng vụ mùa (tăng 0,6%). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 ước đạt 1.920,4 tỷ đồng, 7 tháng ước đạt 15.958,3 tỷ đồng (tăng 9,3%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 đạt 7.414 tỷ đồng, tính chung 7 tháng đạt 53.312 tỷ đồng (tăng 20,92%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 40 triệu USD, tính chung 7 tháng đạt 488,8 triệu USD (tăng 9,84%). Doanh thu vận tải tháng 7 đạt 418 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng là 2.987 tỷ đồng (tăng 12,33%).

Trong 7 tháng, lượng khách tham quan, du lịch đến Gia Lai đạt 690 ngàn lượt (tăng 25,5%) với tổng doanh thu ước đạt 447 tỷ đồng (tăng 29,6%)… Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã giao là 4.596,51 tỷ đồng; tính đến ngày 31-7 đã giải ngân được hơn 763 tỷ đồng (bằng 18,13% kế hoạch). Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 cũng còn khá chậm, chỉ đạt 9,05% kế hoạch.

Một số đại biểu cũng trăn trở về chỉ tiêu thu ngân sách trong năm 2023. Bởi tính đến ngày 31-7, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt 3.188,2 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán Trung ương giao và 54% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng phân tích: Tính đến hết tháng 7, tỉnh có 5/16 khoản thu nội địa chưa đạt gồm: thuế bảo vệ môi trường, thu tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước.

Nguyên nhân chủ yếu do tác động của các chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ người nộp thuế; một số nội dung, dự án, tiểu dự án của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa có hướng dẫn của Trung ương nên chưa triển khai; công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các dự án kêu gọi đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa đồng nhất; sự bất cập giữa các luật, nghị định liên quan…

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng thông tin về chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng thông tin về chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Ảnh: Đức Thụy

Đề cập đến vấn đề ô nhiễm môi trường từ các dự án chăn nuôi heo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung nêu thực trạng: Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 4 doanh nghiệp vi phạm, riêng trong tháng 7 đã trình xử phạt 3 doanh nghiệp và đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý tiếp 6 doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số “nổi”, vì vậy, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đánh giá hiệu quả của các dự án chăn nuôi heo, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm hạn chế tình trạng trên.

Ngoài ra, hội nghị còn tập trung phân tích một số hạn chế khác như: các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn vướng các quy định, ảnh hưởng đến tiến độ; kế hoạch sử dụng đất các địa phương chậm hoàn thành; giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tiếp tục duy trì ở mức cao; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn phức tạp; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp còn xảy ra; tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của tỉnh thấp hơn so với năm học trước; tai nạn đuối nước xảy ra nhiều...

Bàn thảo nhiều giải pháp

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: Các thành viên tổ công tác của tỉnh phải tích cực theo dõi tình hình triển khai các dự án do đơn vị phụ trách, tham mưu Tổ trưởng và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai. Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19, nhất là dự án xây dựng 59 trạm y tế; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án làm cơ sở phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao và thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định ngay khi có khối lượng.

Nói về giải pháp đảm bảo tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024, tránh chậm trễ như thời gian qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Sở đã có văn bản và ấn định các mốc thời gian để đôn đốc các địa phương triển khai. Theo đó, 17/17 huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc lập dự toán kế hoạch sử dụng đất năm 2024 để trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước ngày 30-6-2023. Hiện nay, khâu này đã xong và đến ngày 30-9, các địa phương sẽ hoàn chỉnh và trình thẩm định lần 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường từ các dự án chăn nuôi heo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng, để xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện về ô nhiễm môi trường từ các dự án này là lỗi của chúng ta chứ không phải của chủ đầu tư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở các cuộc kiểm tra và ý kiến của các ngành, địa phương liên quan tiến hành đánh giá lại toàn bộ các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đồng thời, kiến nghị giải pháp để Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng đề nghị các ngành liên quan cần chủ trì tháo gỡ, hướng dẫn về vấn đề đất san lấp, vật liệu xây dựng; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tiến độ; xác định hệ số giá đất, trước mắt là đối với các dự án trọng điểm để làm cơ sở thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai dự án; khẩn trương giao vốn đối với các dự án chưa giao; tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề về 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 8 và tham mưu giải pháp cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy về thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch điều hành phần thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch điều hành phần thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tháng 7 cũng như 7 tháng năm 2023. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều. Vì vậy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để khẩn trương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Trong đó, khẩn trương rà soát tiến độ, tránh bỏ sót công việc; tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài và chủ động xử lý những vấn đề mới phát sinh. Rà soát, cung cấp số liệu phục vụ biên soạn ước tính GDP, GRDP năm 2023 của tỉnh, đảm bảo tính đúng, tính đủ, sát thực tế và theo đúng thời gian quy định. Tăng cường theo dõi, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai đảm bảo kế hoạch trồng rừng năm 2023 và kiểm tra, rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước.

Khẩn trương hoàn thành kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trước ngày 15-8-2023 và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chuẩn bị các điều kiện xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Tăng cường kiểm tra bảo vệ môi trường, nhất là các dự án chăn nuôi heo và các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhất là quy hoạch chung TP. Pleiku, quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045.

Cùng với đó, kiểm tra cơ sở vật chất, chuẩn bị các điều kiện cho khai giảng năm học 2023-2024; tiếp tục triển khai tốt công tác phòng-chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, bạch hầu. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm. Triển khai các nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tăng cường giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại mà kết luận thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra; chủ động phối hợp giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài và những vấn đề nổi cộm, được cử tri quan tâm, báo chí phản ánh thuộc ngành, địa phương quản lý theo thẩm quyền; đồng thời, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các vấn đề, nội dung vượt thẩm quyền. Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức hội, đoàn thể các cấp tiếp tục phát huy dân chủ, tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Quân đoàn 34

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Quân đoàn 34

(GLO)- Sáng 16-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đến thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 34 nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm

(GLO)- Ngày 14-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết tại Gia Lai. Phó Chủ tịch nước chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong dịp Tết.